Homestay 'cháy' phòng, lữ hành lúng túng trước những 'khe cửa hẹp'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hậu giãn cách, trong khi các điểm nghỉ dưỡng cuối tuần bỗng "hot" và hàng loạt homestay ven đô "cháy" phòng, thì lữ hành lại đau đầu vì quá nhiều quy định kiểm soát y tế của các địa phương.

 
Nghỉ dưỡng cuối tuần có dấu hiệu tăng nhiệt nhanh chóng hậu giãn cách. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+
Nghỉ dưỡng cuối tuần có dấu hiệu tăng nhiệt nhanh chóng hậu giãn cách. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+
Các homestay ngoại thành Hà Nội hầu hết “cháy” phòng cuối tuần ngay sau khi thành phố cho phép một số hoạt động, dịch vụ hoạt động trở lại, trong đó có du lịch nhưng phải đảm bảo 5K, hoạt động không quá 50% công suất.
Đây là một xu hướng đúng với những khảo sát của du lịch thế giới và nhận định trước đó của các chuyên gia, đó là du lịch theo nhóm nhỏ gia đình, bạn bè với kỳ nghỉ ngắn ngày sẽ lên ngôi.
Tuy nhiên, các tour ngoại tỉnh đi từ Hà Nội lại đang gây nhiều lúng túng cho doanh nghiệp, bởi những quy định chưa thực sự đồng nhất giữa các địa phương trong vấn đề kiểm soát đi lại và y tế. Vô hình chung, những “khe cửa hẹp” đã gây khó cho lữ hành trên hành trình phục hồi nền kinh tế xanh.
“Muốn được như chim xổ lồng"
Hai năm thất hẹn đi chơi nhóm bạn đại học, vì cứ năm lần bảy lượt chốt được ngày thậm chí có lần đã đặt vé máy bay, khách sạn và sắm váy áo xúng xính lên đồ chỉ đợi ngày lên đường mà cuối cùng như “dính dớp,” đợt dịch mới lại bùng phát, Trần Ngọc (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết hội chị em của cô liên tục phải trì hoãn kế hoạch được "tung tẩy" cùng nhau.
Chính vì thế, ngay khi Hà Nội mở cửa, dù thời tiết trở lạnh và mưa gió sụt sùi nhưng Ngọc và các bạn bất chấp, lập tức đặt phòng ở homestay trên Ba Vì để cùng nhau nghỉ dưỡng.
“Tôi gọi mấy nơi thì được nhân viên thông báo đã ‘cháy’ phòng tới cuối tuần tới, thậm chí có nơi ‘hot’ phải sau 2 tuần tiếp theo mới sắp xếp được. Tôi khá bất ngờ vì nhu cầu đi nghỉ cuối tuần của người Hà Nội lại cao như vậy. Cuối cùng, chúng tôi cũng đành phải ngậm ngùi đợi nửa tháng nữa mới được lên đường. Mà khi đó thì chẳng biết tình hình như thế nào,” chị Ngọc chia sẻ.
 
Giới trẻ khao khát được xê dịch hậu giãn cách. Ảnh minh hoạ: Vietnam+
Giới trẻ khao khát được xê dịch hậu giãn cách. Ảnh minh hoạ: Vietnam+
“Muốn được như chim xổ lồng” là tâm trạng của đa số người dân sau đợt giãn cách kéo dài nhất trong lịch sử hai năm đại dịch COVID-19. Nắm bắt được tâm lý này, ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách, dù nhiều khách sạn, resort chưa chính thức mở cửa trở lại nhưng các cơ sở homestay tư nhân với lợi thế bộ máy hoạt động tinh gọn, có không gian thoáng đãng, dịch vụ tiện ích đầy đủ (bể bơi, ăn uống) với giá phải chăng đã nhanh chóng vận hành và thu hút khá đông du khách.
Trên các nhóm cho thuê homestay ở khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây..., nhiều đơn vị kinh doanh giới thiệu kỳ nghỉ cho gia đình với mức giá rất đa dạng, dao động từ 600.000 đồng đến vài triệu đồng/đêm phụ thuộc vào độ ‘hot’ khu nghỉ dưỡng, diện tích và ngày nghỉ trong tuần.
Anh Hoàng Hải (Hà Đông) cho biết đã liên hệ với các homestay theo lời giới thiệu của bạn bè và từ những hội nhóm trên mạng xã hội, nhưng nhiều nơi đã thông báo hết chỗ từ tuần trước, thậm chí có nơi đã kín khách đặt tới hết tháng 10.
“Nhà tôi vốn chật chội, mấy tháng ru rú ở nhà rồi nên giờ tôi muốn cho các con có không gian nghỉ ngơi, thư giãn sau quãng thời gian dài chỉ loanh quanh ở nhà học trực tuyến. Tôi đang cố tìm một chỗ nghỉ biệt lập, thông thoáng, gần gũi thiên nhiên ở ngoại thành và ít tiếp xúc với người khác để bảo đảm an toàn cho gia đình,” anh Hải nói.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch Thủ đô, ông Nguyễn Tiến Đạt đồng thời là chủ một homestay tại Đường Lâm cho biết do nhu cầu nghỉ dưỡng ngoại thành tăng cao, một số homestay tư nhân mở từ đầu tháng 10 nhưng không cho thuê rộng rãi, chủ yếu là cho các nhóm bạn thân, gia đình quen biết mượn để “đổi gió,” không cho ở quá 10 người.
 
Khi các homestay kín phòng, camping là giải pháp được giới trẻ lựa chọn để
Khi các homestay kín phòng, camping là giải pháp được giới trẻ lựa chọn để "xả hơi." Ảnh: CTV/Vietnam+
Hiện nhiều homestay đã hoạt động sôi nổi, nhưng nhu cầu nghỉ dưỡng chủ yếu tập trung vào cuối tuần nên thời điểm này thường kín phòng nếu không đặt trước, còn ngày trong tuần vẫn khá vắng vẻ.
Gỡ “nút thắt” phân vùng để sớm phục hồi
Các hoạt đọng du lịch hứa hẹn là vậy, song việc phân loại “vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ” để xác định người từ các vùng dịch đã an toàn hay chưa lại đang có phần gây khó cho du khách. Đó là chưa kể các quy định kiểm soát đi lại và y tế ở các địa phương cũng khác nhau khiến doanh nghiệp du lịch khó khăn khi chủ động xây dựng chương trình tour.
Theo chia sẻ của các CEO lữ hành, dù địa phương đang gấp rút phân loại cấp độ dịch, nhưng vẫn chưa đồng nhất, đặc biệt là thiếu công bố phân cấp cụ thể tới từng phường, xã, gây lúng túng cho doanh nghiệp.
Đơn cử, ngay ở Hà Nội, quận Hoàn Kiếm được tính là vùng xanh, song khu vực Bệnh viện Việt Đức lại là vùng đỏ. Do đó, muốn hướng dẫn cho du khách đi tour ngoại tỉnh, các đơn vị lữ hành cần tìm rất nhiều quy định, không chỉ ở nơi đến mà còn cả ở từng địa phương mà đoàn tour đi qua.
Đại diện lữ hành Hanoitourist cho hay ngay sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, công ty đã chủ động đề xuất với Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa... tổ chức thí điểm loại hình tour xe tự lái khép kín thì lập tức “vấp” phải vấn đề là quy định ở mỗi nơi lại khác nhau và còn e dè trong việc tổ chức tour cho khách từ Hà Nội, là "vùng đỏ" theo phân loại của nhiều địa phương.
 
Nghỉ dưỡng ở những nơi gần gũi thiên nhiên là lựa chọn được nhiều du khách ưa thích. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+
Nghỉ dưỡng ở những nơi gần gũi thiên nhiên là lựa chọn được nhiều du khách ưa thích. Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+
Quả thực, đây đang là “nút thắt” đối với các doanh nghiệp du lịch. Bởi rõ ràng, họ không chỉ đơn thuần bán tour mà còn phải tư vấn rất kỹ các quy định ở địa phương ra sao, du khách trở về sau chuyến đi có phải cách ly hay không, chi tiết cơ sở lưu trú, nhà hàng như thế nào...
Giữa thời “loạn dịch bệnh,” điều mà mỗi du khách đặt lên hàng đầu là an toàn sức khỏe, trong khi đó doanh nghiệp thì lại cần đơn giản hóa thủ tục, chung sống và thích ứng với dịch bệnh.
Cũng vì vậy, điều cần làm ngay lúc này là cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nên “sớm ban hành bộ quy tắc chung,” có sự thống nhất để khai thông hoạt động du lịch như lãnh đạo ngành du lịch đã khẳng định trong một số cuộc họp tuần qua.
Bà Nguyễn Lê Hương, Phó tổng Giám đốc Vietravel, nhận định sự thống nhất và đồng bộ giữa các chính sách vĩ mô chung trên cả nước là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi.
Theo bà Hương, an toàn là điều kiện ưu tiên nhưng hiện thủ tục hành chính giữa các địa phương đang rất nhiều, đi đâu cũng phải xét nghiệm, cách ly. Nếu thực tế này vẫn tiếp tục duy trì thì du lịch không thể phát triển.
 
Du khách nhí đi nghỉ homestay cuối tuần. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+
Du khách nhí đi nghỉ homestay cuối tuần. Ảnh: Mai Mai/Vietnam+
“Trong Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’ cũng có đề cập đến vaccine hiện nay là điều kiện tiên quyết. Chúng ta hiểu rằng, chỉ khi vaccine được tiêm, nơi đến và nơi đi an toàn, người dân mới trở lại với du lịch, còn mọi nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng không thể nào kích cầu lại du lịch,” bà Hương nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, bà Hương kiến nghị Tổng cục Du lịch có ý kiến gửi các địa phương để thống nhất chính sách đón khách, đặc biệt là cần nhìn nhận lại khái niệm không phải những nơi có dịch là vùng đỏ, yêu cầu khách phải cách ly, mà cần căn cứ theo độ phủ vaccine theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế.
Mai Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm