(GLO)- Với mục tiêu không để một HSSV nào đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, Ngân hàng Chính sách Xã hội từ lâu đã trở thành “người đỡ đầu” hiệu quả cho chương trình có tầm ảnh hưởng rộng lớn này.
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Lựu-khối phố 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai đã không khỏi tự hào khi kể về những đứa con của mình và nguồn hỗ trợ kịp thời từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ Huế vào Tây Nguyên lập nghiệp, rồi lập gia đình và có 5 mặt con. Kinh tế gia đình rất eo hẹp phải chạy ăn từng bữa nhưng vợ chồng chị quyết không để con nghỉ học vì hoàn cảnh ấy, anh chị chấp nhận vay nóng cho con nhập học. “Năm 2007, được Ngân hàng Chính sách Xã hội giải quyết cho vay số tiền hỗ trợ 8 triệu đồng/năm học (10 tháng), các con tôi như chắp thêm niềm mơ ước quyết chí học hành, gia đình tôi đã thở phào nhẹ nhõm”-chị Lựu chia sẻ.
Cả ba người con của bà Lựu là Quỳnh My, Quỳnh Mai và Kiều Ngân đều tốt nghiệp đại học bằng giỏi. (ảnh nhân vật cung cấp) |
Không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, cả ba người con là Quỳnh My, Quỳnh Mai và Kiều Ngân đều tốt nghiệp đại học bằng giỏi, riêng người chị cả giờ đã là giảng viên Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng tháng vẫn trích ra một phần thu nhập trả nợ ngân hàng và giúp gia đình.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng như ông Trần Văn Đông, tổ 6 phường Thống Nhất, TP. Pleiku là một ví dụ điển hình. Cũng vào năm 2007, gia đình ông Đông rơi vào hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Cầm tờ giấy báo nhập học của con, ông không biết phải xoay xở như thế nào cho con tiếp tục đèn sách. Cũng nhờ Hội Nông dân phường hướng dẫn ông vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để cung cấp lần lượt cho ba người con đi học. Ông chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu không có nguồn hỗ trợ ấy chưa chắc các con tôi có bằng cao đẳng”. Tuy vậy, khó khăn chồng chất khó khăn, ra trường trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, đến nay chỉ có người con gái lớn đã tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật-Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang là có công việc và có thu nhập hàng tháng để trả nợ ngân hàng. Người con trai út đang theo học ngành Thiết kế Đồ họa Trường Đại học Nguyễn Tất Thành không được nhận hỗ trợ từ vốn vay vì số nợ và lãi cũ quá nhiều, gia đình chưa có khả năng trả bớt nợ.
Trồng cây ngắn ngày là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Lựu. Ảnh: Tú Uyên |
Được triển khai từ năm 2007, chương trình cho vay học sinh sinh viên (HSSV) đến nay đã tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, đáp ứng được xu hướng xã hội hóa và nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đồng tình ủng hộ. Với mục tiêu không để một HSSV nào đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, Ngân hàng Chính sách Xã hội từ lâu đã trở thành “người đỡ đầu” hiệu quả cho chương trình có tầm ảnh hưởng rộng lớn này.
Ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội-Chi nhánh Gia Lai, nói: Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, nhà trường với Ngân hàng Chính sách Xã hội, đặc biệt là sự phối hợp và thực hiện của các tổ chức chính trị-xã hội, trực tiếp là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... nên việc triển khai chương trình diễn ra nhanh chóng và đạt mục tiêu đã đặt ra. Tính đến thời điểm này, doanh số cho vay mỗi năm ước khoảng 80 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay HSSV của tỉnh là 606 tỷ đồng cho hơn 25.700 hộ vay. Trong đó, dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 42,7 tỷ đồng với 2.410 hộ vay. Ông Nghĩa cho biết thêm, để triển khai chính sách tín dụng đạt hiệu quả tốt, Chi nhánh tỉnh thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), tổ giao dịch lưu động và điểm giao dịch tại xã.
Đến nay, với mạng lưới 197/222 xã phường đã có điểm giao dịch tại xã cùng với 3.372 tổ TK&VV phủ kín trên các thôn làng trong tỉnh đã góp phần hoàn thiện hoạt động của tín dụng chính sách. Mặc dù tình trạng HSSV ra trường không có việc làm, vẫn còn nhiều hộ gia đình thuộc diện nghèo ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ. Song, Chi nhánh vẫn cố gắng nắm bắt nhu cầu vay vốn từ cơ sở, phát huy hiệu lực từ mỗi tổ TK&VV, giải quyết kịp thời vốn vay cho dân; đồng thời đôn đốc việc trả nợ và thu hồi nợ. Phối hợp chặt chẽ với đoàn thể, chính quyền địa phương để xử lý thu hồi đối với các khoản nợ quá hạn; khởi kiện trước cơ quan pháp luật đối với những hộ vay có khả năng nhưng cố tình chây ỳ, thu hồi vốn cho Nhà nước.
Tú Uyên