Có thể thấy trừ trận hòa chật vật 1-1 đội tuyển Lào ở Tiger Cup 1996 (tiền thân của AFF Cup ngày nay), trong đó nguyên nhân vì nhiều cầu thủ "có vấn đề" ở trận này, các đội tuyển bóng đá Việt Nam rất hiếm khi gặp khó khăn khi đối đầu với các đội bóng Lào ở những giải đấu trong khu vực.
Có thể nhiều người cho rằng U.22 Lào trong trận đấu tối qua có 3 cầu thủ Lào kiều nên lực lượng của họ đã mạnh hơn và chơi hay hơn, nhưng rõ ràng lối chơi của U.22 Việt Nam vẫn còn thiếu sự gắn kết và khá căng cứng. Ngay bản thân HLV Troussier cũng thừa nhận sau trận đấu là các học trò của ông bị căng cứng tâm lý và sợ… bị gỡ hòa sau khi có bàn thắng dẫn trước từ quá sớm.
HLV Troussier còn nhiều việc phải làm với U.22 Việt Nam. Ảnh: Ngọc Dương |
Nghe qua điều này hẳn nhiều người khá bất ngờ vì U.22 Việt Nam được đánh giá cao hơn U.22 Lào rất nhiều. Vậy HLV Troussier còn thiếu điều gì với U.22 Việt Nam khiến các học trò chưa thể hiện được mình và rơi vào trạng thái căng cứng tâm lý trước một đội bóng được đánh giá thấp hơn như thế?
Điều trước tiên có thể thấy ông Troussier chưa truyền được tinh thần chiến đấu, một trong những điểm mạnh của cầu thủ Việt Nam, cho các học trò ở các giải đấu lớn, điều mà HLV tiền nhiệm Park Hang-seo đã làm rất tốt. Đây là việc làm rất quan trọng vì khi thực hiện đúng, kết quả mà nó đem lại thực sự hiệu quả bởi khi đó cầu thủ sẽ chơi như "lên đồng" với hơn 100% sức lực của mình. Với tinh thần như thế, các cầu thủ có thể đánh bại những đối thủ được đánh giá mạnh hơn đồng thời khiến người hâm mộ bùng nổ và vỡ oà cảm xúc theo.
U.22 Việt Nam (phải) gặp nhiều khó khăn trước U.22 Lào. Ảnh: Ngọc Dương |
Trước đây bóng đá Việt Nam từng có 2 HLV người châu Âu nhưng luôn biết cách truyền lửa cho học trò và giúp bóng đá Việt Nam đạt được những thành công nhất định, đó là HLV Weigang và HLV Calisto. Cả hai ông đều rất máu lửa cùng các học trò trên sân trong những thời khắc khó khăn ở các trận cầu quan trọng nhất. Điển hình ông Weigang đã giúp các học vượt qua ngưỡng tâm lý sợ thua ở các kỳ SEA Games trước để đánh bại những đối thủ sừng sỏ như Indonesia, Malaysia, Myanmar và giành HCB. Hoặc HLV Calisto cũng giúp các học trò vượt qua tâm lý sợ thua người Thái để đánh bại đối thủ ở chung kết AFF Cup 2008.
Điều thứ hai đó là HLV Troussier còn thiếu thời gian để hòa nhập với bóng đá Việt Nam. Rõ ràng với hơn 3 tháng cầm quân cùng vài trận quan sát giải V-League và hạng nhất (vì giải bị nghĩ cách quãng quá nhiều), ông không thể có cái nhìn bao quát về các cầu thủ để tìm ra những người phù hợp với triết lý huấn luyện của mình. Vì thế ông chỉ còn cách tin dùng và sử dụng những cầu thủ mà ông từng huấn luyện thời còn làm HLV U.19 Việt Nam để làm nòng cốt cho U.22 Việt Nam.
Thủ môn Quan Văn Chuẩn vất vả cứu thua cho đội nhà. Ảnh: Ngọc Dương |
Hơn nữa, lứa trẻ của bóng đá hiện nay được cọ xát quá ít ở môi trường đỉnh cao như V-League nên tâm lý cũng bị dao động khi rơi vào tình cảnh khó khăn. Trong khi đó, HLV Park Hang-seo gặp thuận lợi hơn rất nhiều khi mới sang Việt Nam vì trong tay ông đã có lứa cầu thủ của HAGL, CLB Hà Nội, CLB Viettel… đã có kinh nghiệm chinh chiến dày dạn.
Rõ ràng sự khởi đầu nào cũng có khó khăn riêng của nó, và đội U.22 Việt Nam hiện nay đang gặp phải tình cảnh như thế. Vì thế, hãy cho HLV Troussier có thêm nhiều thời gian để khẳng định mình ở môi trường hoàn toàn mới. Hơn nữa, đây mới chỉ là giải đấu ở cấp độ trẻ, trong khi mục tiêu với bóng đá Việt Nam của ông Troussier không chỉ dừng ở những giải đấu khu vực như hiện nay.