"Hành tinh đại dương" tồn tại bên cạnh trái đất!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngôi sao sáng nhất mà chúng ta nhìn thấy mỗi bình minh và hoàng hôn từng là một hành tinh đại dương như trái đất trước khi thảm họa khiến nó gần như ngừng quay.

Nghiên cứu đến từ Trung tâm Bay không gian Goddard của NASA cho thấy Sao Kim, hành tinh thứ 2 của Hệ Mặt trời và gần với trái đất nhất khi các hành tinh thẳng hàng, từng được bao phủ bởi những đại dương và một môi trường thuận lợi cho sự sống, giống như trái đất.

 
Sao Kim - ảnh: NASA
Sao Kim - ảnh: NASA



Theo chuyên gia Michael Way, người phụ trách cuộc nghiên cứu, Sao Kim là hành tinh có thể ở được và quay nhanh hơn bây giờ rất nhiều. Bề mặt của nó chủ yếu là những đại dương, giống như trái đất. Tuy nhiên, qua thời gian, trọng lực của mặt trời tác động quá mạnh đến mặt nước trên Sao Kim, tạo nên thủy triều dữ dội và dần làm chậm quá trình quay của hành tinh.

Các nhà khoa học tính toán rằng tốc độ tự quay quanh trục của nó đã chậm tới 5 ngày trong mỗi triệu năm. Cho đến một ngày, nó hầu như ngừng quay quanh trục của mình như hiện nay và các khí nhà kính vì thế có cơ hội hình thành các đám mây dày, biến hành tinh thành lò lửa, khiến các đại dương bốc hơi.

Ngày nay, Sao Kim đã nóng đến 462 độ C, tức nóng hơn cả hành tinh gần mặt trời nhất là Sao Thủy (427 độ C). Nó đã hoàn toàn khô cạn và không thể sống nổi. Tốc độ quay của Sao Kim cũng trở nên chậm khủng khiếp, 1 ngày của nó dài tới 243 ngày trên trái đất, trong khi chỉ mất 224,7 ngày để đi một vòng quanh mặt trời. Vì thế, nó là hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời mà 1 ngày dài hơn 1 năm.

Những phát hiện vừa được trình bày tại Hội nghị Khoa học Mặt trăng và Hành tinh ở Texas.

A. Thư (Theo Daily Mail, New Scientist, nld)

Có thể bạn quan tâm