(GLO)- Hàng chục ha lúa đang trong quá trình gieo sạ tại cánh đồng Chư Gu, xã Pớ Tó, huyện Ia Pa bỗng dưng bị hủy hoại bởi dòng nước thải ra từ Nhà máy tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Việt Nam.
Ruộng đồng tan hoang
Ruộng đồng xơ xác vì nước thải tràn vào. Ảnh: Văn Ngọc |
Những ngày qua, người dân tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa đang vô cùng hoang mang và bức xúc trước việc nhà máy chế biến tinh bột sắn đứng chân trên địa bàn xã xả nước thải trực tiếp ra cánh đồng lúa, cánh đồng mía và ra suối Pờ Yầu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân, những ngày đầu tháng 12, P.V Báo Gia Lai đã có mặt tại cánh đồng Chư Gu-nơi nhà máy xả nước thải để ghi nhận vụ việc. Chúng tôi cũng vô cùng bàng hoàng trước sự tàn phá của nước thải từ nhà máy với cánh đồng rộng mênh mông lên đến hàng trăm ha này.
Tại hiện trường, nước thải của nhà máy được dẫn ra khu vực các bể chứa theo đường ống dài gần 1.000 mét dẫn ra suối Pờ Yầu. Trong đó có hơn 500 mét đường ống chạy qua khu vực cánh đồng lúa. Trên quãng đường này có 4 cống thông hơi ở khoảng cách đều nhau. Theo người dân, khoảng nửa tháng trước, nhà máy bắt đầu xả thải thì nước thải từ 4 điểm này bắt đầu tràn vào cánh đồng lúa và chảy về xuôi khiến diện tích bị ảnh hưởng lan rộng. Sau nhiều ngày xả thải, cả cánh đồng vẫn đang bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Ở mặt ruộng bị bao phủ bởi một màu đen quánh và có sủi bọt. Lớp đất thịt cũng bị nhiễm đen và bốc mùi. Những ruộng lúa mới được gieo sạ thì bị lớp bùn, bọt đen vùi lấp. Còn những diện tích đã được gieo sạ trên 20 ngày, thân cây lúa cao chừng 20 cm thì cây đã ngưng phát triển, khi nhổ lên thì rễ cũng đã có màu đen và đang bắt đầu thối rữa.
Đặc biệt, các loại động vật như ốc, cua chết la liệt nằm trên mặt ruộng. Không có sự sống nào trên những diện tích lúa bị nước thải tràn vào trừ loăng quăng, bọ gậy. Anh Lê Văn Kiên (SN 1977, trú tại thôn Kliếc B, xã Pờ Tó) bức xúc: “3 ha lúa của tôi gieo sạ được khoảng 20 ngày đang lên xanh tốt thì nhà máy xả thải vào. Giờ đa số chết hết rồi còn một số sống thì khi nhổ lên cũng thấy đang thối rễ. Chúng tôi đi lội ruộng về thì ai nấy ngứa ngáy không chịu nổi. Mà cũng không ở cánh đồng được lâu vì mùi hôi thối bốc lên, ai cũng sợ ảnh hưởng sức khỏe nên không dám ra cánh đồng nữa. Nhà tôi không có mía, có mì, chỉ có đúng 3 ha lúa để làm kế sinh nhai, mà ruộng thế này không biết đến bao giờ mới sạ được, gieo trồng nó cũng phải có mùa vụ nữa”.
Cùng chung nỗi bức xúc, ông Phạm Văn Quyết (SN 1964, trú tại thôn Kliếc A, xã Pờ Tó) cũng than thở: “Trước kia mỗi khi làm chuẩn bị sạ lúa là phải phun thuốc diệt hết lũ ốc, vậy mà nay ốc bỗng dưng lăn ra chết dày đặc. Ốc là loại cực khỏe dễ sống mà còn chết như vậy thì mới biết dòng nước này động hại thế nào. Giờ nhà máy có đền bù thiệt hại vụ này đi chăng nữa thì chúng tôi cũng làm sao biết được nó có ảnh hưởng lâu dài tới đất không, chưa kể ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của người dân, vì nước thải đã thấm sâu xuống đất như vậy rồi”.
Hệ lụy khôn lường
Nước thải xả trực tiếp ra suối Pờ Yầu-nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các xã Pờ Tó, Chư Răng huyện Ia Pa. Ảnh: Văn Ngọc |
Không chỉ cánh đồng lúa, nhà máy cũng xả thải ra ruộng mía và vào hồ nước dân sinh cách nhà máy hơn 500 mét. Anh Phạm Văn Quynh (SN 1977, trú tại thôn Chư Gu, xã Pờ Tó) cho hay: “Mấy hôm trước nhà máy bỗng xả thải ra ruộng mía nhà tôi, nước tràn cả vào hồ nước dùng để chăn nuôi gia súc. Còn chưa biết được rồi nó có ngấm vào giếng nước ăn hay không”. Đáng nói, dòng nước thải của nhà máy đổ về suối Pờ Yầu, đây là con suối lớn cung cấp nước ăn, nước sinh hoạt cho các hộ dân tại xã Pờ Tó, xã Chư Răng, huyện Ia Pa trước khi hòa vào dòng sông Ba. Tại điểm xả thải ở suối Pờ Yầu, P.V vẫn phát hiện dòng nước có màu đen, sủi bọt bốc mùi hôi thối vẫn chảy trực tiếp vào con suối này.
Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Trung-Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Việt Nam cho biết, vì nhà máy vừa đi vào chạy thử hệ thống xử lý nước thải nên xảy ra trục trặc. “Nhà máy sẽ sớm khắc phục tình trạng này còn với diện tích cây trồng bị thiệt hại, chúng tôi sẽ thống kê rồi đền bù cho người dân sớm an tâm quay trở lại sản xuất”. Trong khi đó, ông Lê Văn Biên-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó cho biết đã nhận được đơn phản ánh của các hộ dân bị thiệt hại do nhà máy xả thải. Hiện xã này đã làm việc với nhà máy nhằm khắc phục sự cố và đánh giá mức thiệt hại để đền bù cho dân nhưng vẫn chưa báo cáo sự việc về huyện.
Sẽ lấy mẫu nước thải đi xét nghiệm Ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa cho biết, chủ trương của huyện là thu hút đầu tư và ủng hộ các nhà máy hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của huyện vẫn là đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất của bà con. Khi đưa vào hoạt động, nhà máy này cũng đã cam kết sẽ đảm bảo an toàn về mặt chất thải, xử lý và không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện nay UBND huyện vẫn chưa nhận được thông báo về tình trạng ô nhiễm tại cánh đồng Chư Gu, xã Pờ Tó. Nhưng theo phản ánh PV thì UBND huyện sẽ yêu cầu UBND xã Pờ Tó có báo cáo gửi ngay, đồng thời lấy mẫu nước xả để làm bằng chứng. “Chúng tôi cũng sẽ báo cáo lên UBND tỉnh để xét nghiệm mẫu nước cũng như đưa ra hướng xử lý thích hợp. Về mặt ảnh hưởng lâu dài tới hệ sinh thái của khu vực thì chúng tôi sẽ xem xét và kiên quyết không để tình trạng này tái diễn, đồng thời yêu cầu nhà máy phải ngưng xả thải cho đến khi xử lý được các chất thải, và đền bù, hỗ trợ cho bà con canh tác trên phần đất đã bị nhiễm chất thải”-ông Hương nói. |
Lê Văn Ngọc