Hàn Quốc tiếp tục là 'mỏ khách vàng' của du lịch Việt trong 3 tháng đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với hơn 1,2 triệu lượt (bằng 150% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10% so với cùng kỳ 2019), Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi nhiều khách nhất đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm.
Khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm tăng 72% so với cùng kỳ 2023. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm tăng 72% so với cùng kỳ 2023. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tháng Ba, du lịch Việt Nam đón gần 1,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung ba tháng đầu năm, lượng khách đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ 2019 – năm “hoàng kim” của du lịch Việt. Đây là số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay, ngày 28/3.

Theo đó, thị trường gửi nhiều khách nhất đến Việt Nam trong 3 tháng tiếp tục là Hàn Quốc với hơn 1,2 triệu lượt (bằng 150% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10% so với cùng kỳ 2019). Trung Quốc đại lục xếp thứ hai với gần 890.000 lượt, gấp 6,4 lần so với cùng kỳ 2023 nhưng chưa phục hồi về mức gần 1,3 triệu lượt của năm 2019.

Các thị trường trong top 10 gửi khách đến Việt Nam 3 tháng đầu năm còn lại gồm Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Mỹ và Australia.

Thống kê cho thấy trong quý I, phần lớn khách đến Việt Nam theo đường hàng không, với hơn 3,9 triệu lượt; khách đến bằng đường biển đạt hơn 136.000 lượt và đường bộ gần 630.000 lượt, đều tăng từ 1,6 đến 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 3 đạt gần 548.000 lượt, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I, lượng khách Việt xuất ngoại đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2023.

Theo các chuyên gia, du lịch nước nhà đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ như vậy là nhờ hiệu quả từ chính sách thị thực đã thông thoáng, cởi mở hơn tạo thuận lợi cho du khách, cùng các chương trình kích cầu xúc tiến du lịch.

Theo Tổng cục Thống kê, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thương mại đã giúp lĩnh vực dịch vụ tăng 6,12% trong quý đầu năm và góp hơn 52,2% vào GDP. Tuy nhiên, nếu muốn thu hút đông đảo lượng khách quốc tế đến, ngành du lịch cần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để phục vụ và níu chân khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Có thể bạn quan tâm