Hai nam sinh đất mỏ chế tạo robot dò mìn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một robot dò mìn với nhiều công nghệ hiện đại có thể làm nhiệm vụ quốc phòng được hai nam sinh tại TP.Uông Bí (Quảng Ninh) chế tạo thành công trong vòng 2 năm.
Hai học sinh điều khiển robot dò mìn
Hai học sinh điều khiển robot dò mìn
Đó là các em Nguyễn Đức Thành, lớp 12A5 và Lê Phong Vũ, lớp 11A6, Trường THPT Uông Bí.
Giới thiệu về robot độc đáo này, trưởng nhóm Nguyễn Đức Thành cho biết thiết bị thực chất là một xe bánh xích mini có khả năng đi trên mọi địa hình. Robot có gắn định vị (GPS) được kết nối và điều khiển bằng điện thoại thông minh qua hệ thống bluetooth. Từ đó, người dùng chỉ cần chạm vào đâu trên bản đồ Google Maps là thiết bị tự đi đến đó. Thậm chí có thể điều khiển bằng cả giọng nói.
Cũng theo Thành, robot này khá nhỏ gọn, chỉ khoảng 2 kg, chạy bằng pin, hoạt động trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Khi phát hiện được bom mìn, hệ thống cảnh báo sẽ hiển thị bằng chữ hoặc bằng giọng nói về điện thoại. Đáng chú ý, trên robot được gắn một camera có khả năng xoay 180 độ nhằm thu lại toàn bộ hình ảnh xung quanh trong quá trình di chuyển. Camera này có cả hồng ngoại để di chuyển vào đêm tối.
“Để phát hiện bom mìn, ở đầu chiếc xe có gắn một đầu dò từ trường. Khi đầu dò đến gần vị trí bom mìn, chiếc xe sẽ dừng lại gần một phút để thu thập dữ liệu là các xung điện từ. Bộ phận thu nhận của máy dò xử lý phản ứng này và chuyển nó thành tín hiệu, âm thanh rồi báo về điện thoại”, Nguyễn Đức Thành cho biết.
Ý tưởng dò mìn với hai học sinh này bắt đầu từ các bài giảng môn lịch sử. “Qua bài học trên lớp, em được biết ở nước ta còn rất nhiều bom mìn sót lại sau các cuộc chiến tranh. Vì thế, chúng em quyết định làm ra robot này với mong muốn các chú công binh bớt nguy hiểm khi làm nhiệm vụ”, Lê Phong Vũ nói.
Để sáng chế robot, Thành và Vũ đã phải tìm kiếm những vật liệu tại các chợ trung tâm ở địa phương. Một số thiết bị công nghệ đắt tiền khác, các em nhờ người thân đặt mua từ nước ngoài.
“Chúng em luôn dành thời gian sau giờ học trên lớp để cùng đưa ra ý tưởng về robot. Em may mắn có người thân đang công tác trong ngành công binh của Tỉnh đội Quảng Ninh nên khi cần có thể nhờ tư vấn thêm”, Nguyễn Đức Thành chia sẻ.
Chưa hài lòng với robot của mình, Thành và Vũ cho biết đang cải tiến thiết bị này bằng hệ thống cảm biến va đập, camera lùi và khả năng chống lật ở địa hình khó.
Ông Mạnh Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Uông Bí, cho biết: “Trong quá trình sáng tạo sản phẩm, chúng tôi đã tạo điều kiện giúp đỡ các em bằng việc liên hệ với các chuyên gia về bom mìn của Khoa Hàng không vũ trụ thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự và Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn của Binh chủng Công binh cùng một số đơn vị khác”.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ thêm: “Qua các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho lứa tuổi học sinh, các ban giám khảo đều cho rằng thiết bị của các em có sự đầu tư lớn về khoa học. Đặc biệt là cách nghĩ và làm việc đầy trong sáng của hai em về áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn”.
Lã Nghĩ Hiếu (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.