Không vì động cơ cá nhân, không ngại đụng chạm, thẳng thắn phát biểu trên những diễn đàn công khai với tinh thần xây dựng là điểm chung ở nhiều đảng viên khi góp ý cho Đảng.
Mới đây, trên mạng xã hội, một đồng chí lão thành cách mạng sau khi nhận danh hiệu 50 năm tuổi Đảng đã viết: “Tròn nửa thế kỷ đứng trong hàng ngũ của Đảng, có một điều tôi cứ trăn trở chưa yên. Đó là, ranh giới để phân biệt giữa đấu tranh xây dựng Đảng với tự chuyển hóa, tự diễn biến trong nhiều trường hợp là rất nhỏ. Nếu làm không rõ sẽ làm giảm tinh thần đấu tranh xây dựng Đảng hoặc ngược lại là lợi dụng đấu tranh để hoạt động chống đối”.
Tâm sự của ông cũng là nỗi trăn trở suy tư của không ít cán bộ, đảng viên đang thật tâm mong muốn Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn để tiếp tục chèo lái con thuyền Cách mạng tiến về phía trước. Thế nhưng, họ dường như đang đứng giữa lằn ranh mỏng manh là “xây” và “chống”.
Từ câu chuyện này, chúng tôi muốn đi tìm câu trả lời để một mặt, chúng ta vừa phát huy được tài năng, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng Đảng, phát triển đất nước, mặt khác, vừa nhận diện được rõ, đâu là biểu hiện lợi dụng “xây” để “chống” nhằm thực hiện tốt hơn Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Trong phần đầu của loạt bài “Góp ý xây dựng Đảng: Cần làm rõ ranh giới giữa xây và chống”, nhóm phóng viên sẽ giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu góp ý thực tâm, không ngại va chạm trong sinh hoạt đảng.
TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương (Ảnh: Kim Anh) |
Trước và sau Đại hội XII của Đảng, loạt bài viết của TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương về tha hóa và kiểm soát quyền lực đã gây tiếng vang lớn trong dư luận nhân dân. Vì sao vậy? Vì ông đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Khi quyền lực được gắn với chữ “tham”, lòng tham, thì đó chính là động cơ, nguyên nhân và biểu hiện của tha hóa quyền lực. Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi. Do vậy, Đảng phải tự ý thức về sự lãnh đạo của mình chủ yếu phải bằng giá trị văn hóa chứ không thể bằng quyền lực, và Đảng phải nghĩ ra các cơ chế để đảng viên, nhân dân và pháp luật kiểm soát mình”.
TS Vũ Ngọc Hoàng nói ra những điều này ngay cả khi ông đang là Ủy viên Trung ương và nắm giữ cương vị cao trong cơ quan tư tưởng của Đảng. Khi được hỏi, ông có ngại đụng chạm không khi viết ra những điều đó, TS Vũ Ngọc Hoàng nói: “Ngại thì có ngại, ai cũng ngại, nói chung là vậy. Khi nói những vấn đề gai góc thì thế nào nó cũng có động chạm, không nhiều thì ít, không người này thì người kia cùng trong nội bộ. Nhưng có một việc là vì lợi ích chung, vì đất nước phải phát triển, vì cần một chế độ chính trị tốt đẹp, vì cần một đảng trong sạch, vững mạnh. Cần điều đó cho nên không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng chí cũng đã nói thẳng, nói thật vì lợi ích chung ấy. Nói thẳng, nói thật vừa cần thiết cho Đảng, vừa không xấu hổ với chính mình”.
Thực tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh đến việc kiểm soát quyền lực và nói một cách hình ảnh rằng, cần phải nhốt quyền lực trong cái “lồng” kiên cố. Đó là kỷ luật Đảng và khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Với ông Vũ Ngọc Hoàng, cái mới ở đây là đã chỉ mặt, gọi tên sự tha hóa quyền lực và nhấn mạnh những lỗ hổng trong kiểm soát quyền lực.
Ông Nguyễn Túc |
Không ngại lên tiếng trước những vấn đề bức xúc của đất nước, thẳng thắn nêu quan điểm tâm huyết của cá nhân về những bất cập trong công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng – đó là bản lĩnh của ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một lão thành cách mạng đã bước sang tuổi 80. Không ít lần ông đã nhấn mạnh rằng, “cuộc đấu tranh với bản thân, đấu tranh trong nội bộ Đảng thậm chí còn khó hơn nhiều so với cuộc đấu tranh giữa địch và ta”.
Gần đây nhất, khi Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định kỷ luật đối với các cán bộ vi phạm liên quan đến sự cố môi trường biển của Formosa, ông đã tự liên hệ bản thân mình để tỏ rõ một thái độ dứt khoát: “Nếu là ông Võ Kim Cự, tôi sẽ xin từ chức Chủ tịch Liên minh HTX, ra khỏi Quốc hội”. Tại sao một đảng viên lão thành lại luôn đau đáu với tình hình đất nước như vậy, ông Nguyễn Túc lý giải: “Mặt trận là đại đoàn kết, Bác Hồ dạy, muốn đoàn kết là có dân chủ thực sự. Tôi năm nay 80 tuổi, cuộc đời có 13 năm dạy Đại học Bách Khoa, còn từ đó làm dân vận, mặt trận. Làm mặt trận, dân vận, tôi lo nhất là dân giận. Muốn dân không giận mình phải đảm bảo quyền làm chủ cho dân. Không phải đến hôm nay, mà ngày tôi còn tham gia giúp Trung ương viết Nghị quyết cũng dám nói thẳng, nói hết một cách chân thành chứ không bao giờ đưa động cơ cá nhân”.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng |
Gần đây, cử tri cả nước cũng ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu thắng thắn của một số đại biểu Quốc hội, trong đó có ông Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre, Ủy viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Sau nhiều năm hoạt động thực tiễn, khi vào vai đại biểu của dân, ông Lưu Bình Nhưỡng tự thấy rằng “mình phải thể hiện trách nhiệm của mình, phải cất lên tiếng nói của mình để nghị trường có không khí dân chủ, đồng thời phải có tranh luận để tìm ra chân lý”.
“Tôi không nghĩ rằng mọi ý kiến của tôi đều là ý kiến đúng. Nhưng mình đưa ra vấn đề để mọi người cùng suy ngẫm. Theo cách hiểu của tôi, tôi trình bày quan điểm ý kiến của mình để các đại biểu khác có ý kiến tham gia, đó là trách nhiệm. Chứ ở đây không phải vấn đề cá nhân mà phải trên tinh thần đóng góp xây dựng”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Không vì động cơ cá nhân, không ngại đụng chạm, thẳng thắn phát biểu trên những diễn đàn công khai chính kiến của mình với tinh thần xây dựng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, đó là điểm chung dễ nhận thấy ở nhiều cán bộ, đảng viên khi thật tâm góp ý cho Đảng. Thậm chí có những góp ý nghe qua tưởng như trái tai, gai góc thậm chí bị quy chụp thế này thế kia nhưng rồi dư luận tiến bộ vẫn chấp nhận bởi tinh thần vì dân của họ.
PGS-TS Đỗ Quang Hưng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cho rằng, Đảng không thể không mở rộng dân chủ, không thể triệt tiêu suy nghĩ của mỗi cán bộ, đảng viên, nhưng Đảng làm sao để họ tự do suy nghĩ nhưng vẫn hướng vào mục tiêu cao nhất của Đảng mà vẫn giữ được nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Mặt khác, tính kỷ luật của Đảng phải rất cao, phải ngăn chặn khi thấy có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Vậy, làm thế nào để nhận ra những biểu hiện đó và có hay không việc lợi dụng góp ý xây dựng Đảng để chống Đảng, hạ uy tín của Đảng? Những câu hỏi này, chúng tôi sẽ phân tích làm rõ trong bài viết tiếp theo.
Theo VOV