Giải tỏa "cơn khát" cho ngành Du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu mô hình du lịch cách ly khép kín được thực hiện thành công sẽ giúp giải quyết khó khăn cho ngành Du lịch nói riêng và tạo đà đẩy mạnh kinh tế nói chung.

Điểm du lịch Phú Quốc. Ảnh: N.A
Điểm du lịch Phú Quốc. Ảnh: N.A



Tiêu chuẩn an toàn là hàng đầu

Đoàn công tác do đồng chí Đặng Minh Khôi - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài làm Trưởng đoàn - đã đến làm việc với tỉnh Kiên Giang về việc xúc tiến đưa sản phẩm, dịch vụ Phú Quốc đến với Liên bang Nga. Cụ thể là triển khai mô hình “du lịch cách ly khép kín” cho khách du lịch từ Nga đến Phú Quốc.

Theo ông Đặng Minh Khôi, Phú Quốc rất phù hợp để thí điểm mô hình này. Để có thể từng bước mở cửa cho ngành Du lịch, đón khách quốc tế quay trở lại thì Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng phải làm rất nhiều việc cho công tác chuẩn bị. Ông Khôi cho hay, Phú Quốc có thể là địa phương đầu tiên trong cả nước đi đầu trong thí điểm đón khách du lịch đến nghỉ dưỡng và cách ly khép kín ở tại khu nghỉ dưỡng. Điều này không phải là mới vì nhiều nước trên thế giới cũng đã bắt đầu áp dụng nhất là trong bối cảnh hiện nay vaccin phòng dịch được tiêm rộng rãi, mà nhu cầu khách nghỉ dưỡng lại tăng cao.

Ông Khôi nhấn mạnh: “Hơn 1 năm qua ngành Du lịch, ngành Hàng không và nhiều ngành khác đã gặp rất nhiều khó khăn nên việc thí điểm này hết sức quan trọng. Kiên Giang, phú Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng mọi cơ sở vật chất để nếu khi Chính phủ có chủ trương tiến hành thí điểm thì có thể đáp ứng ngay được khách sạn, sân bay, phương tiện vận chuyển và người phục vụ”.

Theo hướng thí điểm, du lịch cách ly khép kín phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn hàng đầu vì vaccin mới triển khai ở Việt Nam, khách quốc tế thì không phải ai cũng có tiêm nên quy trình kiểm soát ban đầu phải hết sức chặt chẽ. Việc kiểm soát khách từ khi đến Việt Nam đến khi nghỉ dưỡng và khi rời khỏi Việt Nam cần đảm bảo không phát sinh dịch bệnh. Nếu trường hợp xấu có khách bị nhiễm bệnh thì cũng không để lây lan ra cộng đồng. Chính vì vậy Phú Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở vật chất, y tế phòng sự cố bất ngờ, nếu có xảy ra phải khoanh vùng, cách ly, dập dịch ngay.

Theo ông Khôi, cần làm tốt công tác truyền thông để người dân Phú Quốc và người lao động có thể yên tâm khi mở cửa cho khách du lịch nước ngoài vào thí điểm thì người dân mới ủng hộ chủ trương này. Bên cạnh đó, nếu chính phủ phê duyệt việc thí điểm thì sẽ có sự hỗ trợ giúp sức từ các bộ ngành TW dành cho Phú Quốc.

Bứt phá có kiểm soát

Ông Khôi cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 khó lường, nhưng trong khi mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, cần xem xét đến các giải pháp để các địa phương không rơi vào thế “co cụm”. Riêng về khách quốc tế, theo ông Khôi nhận định, khách đến từ Liên bang Nga là phù hợp, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của ngành Du lịch Phú Quốc.

Việc cần làm trước khi thí điểm là quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là nhân viên làm việc trong ngành Du lịch, những người tiếp xúc trực tiếp với du khách. Họ phải được tiêm vaccin, đào tạo các quy trình để tránh việc khi mở cửa du lịch làm ảnh hưởng đến người dân, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Ông Trần Đạo Đức - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn CEO - chia sẻ: “Do tình hình dịch bệnh nên khách đến Phú Quốc có giảm xuống tuy nhiên nhìn vào những con số của năm 2019 thì có thể thấy Phú Quốc là điểm đến lý tưởng và nếu được áp dụng thí điểm sớm sẽ giải tỏa “cơn khát” rất lớn, phục hồi ngành Du lịch”.

Theo Sở Ngoại vụ Kiên Giang, năm 2019, khoảng 20 hãng hàng không khai thác trực tiếp đường bay quốc tế đến Phú Quốc, đón hơn 600.000 lượt khách quốc tế, ngoài ra còn có 3 hãng nội địa khai thác đường bay đến Phú Quốc. Điều kiện tự nhiên và xã hội đặc biệt đã tạo cho Kiên Giang nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, kinh tế biển, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông - thủy sản, kinh tế cửa khẩu và phát triển du lịch.

Ông Văn Công Đấu, Giám đốc sở Ngoại vụ Kiên Giang cho biết về phía tỉnh rất ủng hộ chủ trương chung việc thí điểm, trên các cơ sở mà đoàn đề xuất và ý kiến, Sở Ngoại vụ sẽ có tham mưu trình ủy ban tỉnh. Nếu chính phủ có chủ trương thí điểm và tỉnh được cấp phép đầy đủ các điều kiện, ngành Y tế chuẩn bị mọi trang bị sẵn sàng thì đây cũng là cơ hội vực dậy kinh tế chung cho tỉnh nhà.

Hiện nay, nhiều nước đã ứng dụng “hộ chiếu vaccine COVID-19” để theo dõi lịch sử tiêm chủng của người dân, giúp họ thuận tiện trong việc xuất nhập cảnh sang các nước. Việc có hộ chiếu vaccine có thể sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành Du lịch, Hàng không, Giao thông, phát triển kinh tế…

https://laodong.vn/thi-truong/giai-toa-con-khat-cho-nganh-du-lich-897394.ldo
 

Theo NGUYÊN ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.