(GLO)- Tiếp nối thành quả cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc, Gia Lai không ngừng có những bước tiến mạnh mẽ đi lên cùng cả nước. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào trong phát triển kinh tế-xã hội, dần khẳng định vị thế trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên.
Những kết quả đáng tự hào
Thực tế, Gia Lai vẫn còn là một tỉnh nghèo so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Song, nếu nhìn nhận khách quan, tỉnh ta đang trên đà phát triển bền vững, trở thành một vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, đậm đà bản sắc dân tộc; là nơi giao lưu, gặp gỡ của nhiều vùng miền, khu vực kinh tế. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh không ngừng cải thiện, năm 2018 tăng 8% và 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 7,22%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch hợp lý theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông-lâm-ngư nghiệp và tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ. Các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm sau đều tăng so với năm trước. Công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng có nhiều khởi sắc khi hàng loạt dự án lớn đã, đang được triển khai và đề nghị được triển khai.
Nhiều nông dân phấn khởi trước những thành tựu mà tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua. Ảnh: Hồng Thi |
Đặc biệt, công tác thu ngân sách đã có nhiều tiến bộ trong vài năm trở lại đây. Có thể nói, nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là chỉ số quan trọng thể hiện “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng như mức độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Mức thu ngân sách cũng góp phần minh chứng cho thành công của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn để triển khai nhiều dự án, trong đó có một số dự án đã đi vào hoạt động và tạo dựng nguồn thu cho địa phương. Cụ thể, năm 2018, thu ngân sách của tỉnh đạt 4.505,5 tỷ đồng. Đây là mức thu ngân sách cao nhất của Gia Lai từ trước đến nay và là “bàn đạp” để tỉnh nhà bứt phá hơn nữa trong năm 2019.
Ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: “Năm 2019, theo dự toán UBND tỉnh giao, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 4.905 tỷ đồng, trong đó, số thu do cơ quan Thuế quản lý là 4.657,3 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, ngành Thuế tỉnh đã tiến hành rà soát và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác tối đa nguồn thu phát sinh trên địa bàn; đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan chức năng địa phương, cơ quan Thuế các cấp đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế có hiệu quả. Tính đến tháng 8-2019, tổng thu nội địa ước đạt 2.978,3 tỷ đồng (bằng 67,3% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái). Cục Thuế tỉnh cũng đã thu được hơn 101 tỷ đồng tiền nợ thuế của năm 2018 chuyển sang, đạt 43,6% so với tổng số nợ có khả năng thu; trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ 87,7 tỷ đồng và thu qua biện pháp cưỡng chế nợ thuế 13,6 tỷ đồng”.
Thêm một sự đổi thay dễ dàng nhận thấy, đó là cơ sở hạ tầng giao thông từ đô thị đến nông thôn của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới giao thông được đầu tư khá tốt với hệ thống đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) chạy xuyên suốt từ phía Bắc đến phía Nam của tỉnh; quốc lộ 19 và quốc lộ 25 chạy cắt ngang từ Đông sang Tây tạo nên một trục xuyên suốt từ Gia Lai đến các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ và Campuchia. Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 12.183 km đường bộ bao gồm: 6 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 723 km, 10 đường tỉnh với tổng chiều dài 372 km cùng hơn 9.900 km đường huyện, đô thị, đường xã, đường thôn, làng, đường chuyên dùng… gắn kết với hệ thống bến xe, sân bay tạo nên một mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh, thuận lợi, liên thông giữa các vùng miền, địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đường sá đi lại thuận tiện. Ảnh: Hồng Thi |
Mặc dù là tỉnh miền núi với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% nhưng hiện nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã và không bị cô lập kể cả vào mùa mưa bão. Những năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nông thôn cũng rất được quan tâm và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Đến thời điểm này, 96 xã trên địa bàn tỉnh đã đạt tiêu chí giao thông theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tư hạ tầng giao thông đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn một cách rõ nét, đời sống người dân theo đó cũng không ngừng được nâng cao.
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải-cho hay: Từ nay đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án trọng điểm với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng hơn 8.399 tỷ đồng gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê; dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” vay vốn Ngân hàng Thế giới; quốc lộ 14C giai đoạn 2; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25; đường Trường Sơn Đông; tỉnh lộ 666, 665, 662B; đường từ thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) đi xã Ia Băng (huyện Chư Prông); đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông và tiếp tục đầu tư, mở rộng Cảng Hàng không Pleiku. Đây đều là những công trình giao thông sẽ tạo ra nhiều triển vọng mở đường cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian đến.
Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại
Sau nhiều năm phấn đấu, giờ đây, Pleiku không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của Gia Lai mà còn là đô thị tiêu biểu của vùng Bắc Tây Nguyên, là đầu mối giao thương liên vùng, quốc tế và giao thông quan trọng của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Một góc đô thị Pleiku hôm nay. Ảnh: H.T |
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku: “Nếu tất cả đều thuận lợi, dự kiến, đến ngày 3-12 tới, nhân sự kiện kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku, thành phố sẽ lồng ghép tổ chức công bố quyết định TP. Pleiku được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới”. |
Thời gian qua, thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị thiết yếu như: đường giao thông nội thị, giao thông nông thôn, trường học, bệnh viện, hạ tầng phát triển du lịch và đặc biệt là trung tâm hành chính công nhằm phục vụ tối đa nhu cầu phát triển của địa phương cũng như cải thiện chỉ số hài lòng của người dân đối với chính quyền đô thị. Đặc biệt, một số tuyến đường lớn trên địa bàn đã và đang được nâng cấp, mở rộng như: Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Trần Phú, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tôn…; công trình hoa viên Trần Hưng Đạo-Lê Lợi, Công viên Kpă Klơng, Lâm viên Biển Hồ; lát đá vỉa hè một số tuyến đường trung tâm. Thành phố cũng đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại 9/9 xã và đang đề nghị Chính phủ công nhận.
Ông Nguyễn Văn Phước-người dân phường Hội Phú (TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi quê ở An Nhơn, Bình Định nhưng từ nhỏ đã theo gia đình lên định cư tại Pleiku. Hơn 50 năm qua, tôi rất phấn khởi khi chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thành phố. Ngoài đẩy mạnh phát triển kinh tế, lãnh đạo thành phố và tỉnh còn chú trọng quan tâm đến đời sống của nhân dân, đầu tư các công trình phúc lợi xã hội. Trong đó, Quảng trường Đại Đoàn Kết được xem là điểm nhấn của thành phố. Chiều nào tôi cùng bạn bè cũng ra đây tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành”.
Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, sau 10 năm kể từ khi được công nhận là đô thị loại II, đến nay, về cơ bản thành phố đã hội tụ đủ các điều kiện của đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đây là ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nói riêng, cả tỉnh nói chung. Đối chiếu với 5 tiêu chí và 59 tiêu chuẩn của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, TP. Pleiku đã đạt 83,19 điểm. Vì vậy, thành phố đang tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nỗ lực hoàn thiện và bảo vệ thành công Đề án đề nghị công nhận TP. Pleiku là đô thị loại I trong năm 2019. Trong đó, chú trọng công tác thu hút, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng Pleiku trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, du lịch chất lượng cao; đầu tư, phát triển các công trình hạ tầng xã hội như nhà tạm cư, nhà ở xã hội và tái định cư; hoàn thiện mạng lưới đường chính đô thị theo quy hoạch; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà tang lễ, nhà đại thể kết hợp đài hóa thân; lập và phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị…
MINH THI-HỒNG THI