Đất đã bán, giấy tờ không giao
Ngày 27-11-1992, ông Hà Tân Tiến nhận chuyển nhượng của ông Nghiêm Thế Khải 400 m2 (20 mét x 20 mét) đất tại hẻm Lý Tự Trọng- phường Hoa Lư (nay thuộc tổ 16, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) với giá 2,5 triệu đồng. Trong hợp đồng sang nhượng có nội dung giao kết: “Do điều kiện công tác của hai vợ chồng và hoàn cảnh gia đình… nên gia đình tôi nhất trí sang nhượng lại mảnh đất vườn thuộc quyền sở hữu của gia đình theo hồ sơ chứng nhận sở hữu số 2789 ngày 15-6-1990 của Sở Xây dựng Gia Lai-Kon Tum cho ông Hà Tân Tiến…”. Việc sang nhượng này được UBND phường Hoa Lư lúc bấy giờ đồng ý và xác nhận cũng đúng vào ngày 27-11-1992.
Khu đất đã xây nhà kiên cố. Ảnh: Huỳnh Lê |
Mặc dù đã sử dụng đất ở ổn định gần 10 năm nhưng vẫn không thể làm thủ tục sở hữu kể từ năm 1992, ông Hà Tân Tiến buộc phải khiếu nại đến UBND phường Tây Sơn (TP. Pleiku) nơi có đất tọa lạc và cuối cùng là khởi kiện đến Tòa án Nhân dân TP. Pleiku vào ngày 26-5-2008 để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự này.
Và phán quyết của Tòa…
Ngày 15-12-2009, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Pleiku đưa vụ kiện ra xét xử sơ thẩm và phán quyết hợp đồng sang nhượng giữa ông Hà Tân Tiến và ông Nghiêm Thế Khải là vô hiệu. Nguyên nhân được cho là giao dịch này không có sự tham gia của vợ ông Khải. Từ đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hà Tân Tiến đối với ông Nghiêm Thế Khải về việc buộc ông Nghiêm Thế Khải phải giao giấy tờ để ông Hà Tân Tiến đăng ký quyền sử dụng lô đất.
Không đồng tình, ngày 4-1-2010, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku đã kháng nghị toàn bộ bản án. Theo đó, TAND TP. Pleiku không đưa vợ ông Nghiêm Thế Khải với vai trò yêu cầu độc lập; các đương sự đã nhận chuyển nhượng có xác nhận của UBND phường Hoa Lư và đã xây nhà kiên cố từ nhiều năm nhưng tuyên giao dịch vô hiệu là không đúng với yêu cầu giải quyết thực hiện một nghĩa vụ dân sự. Mặt khác, căn cứ Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình quy định các trường hợp tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất được xác lập từ ngày 1-7-1980 đến trước ngày 15-10-1993 thì Tòa án phải công nhận như quy định: “Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất, kinh doanh không vi phạm quy định về quy hoạch và bên chuyển nhượng cũng không phản đối khi bên nhận chuyển nhượng sử dụng đất xây nhà ở, công trình kiến trúc, trồng cây lâu năm, đầu tư sản xuất kinh doanh trên đất đó”.
Từ đây, ngày 25-5-2010, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa ra xét xử phúc thẩm và chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Pleiku, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP. Pleiku để xét xử lại.
Như vậy, rõ ràng bản án sơ thẩm chưa xem xét hết những tình tiết, căn cứ pháp lý cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy vụ án chưa khép lại nhưng cũng là một bài học đắt giá đối với mọi người khi tham gia giao dịch đất đai không thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ với nhau.
Huỳnh Lê