Ngành Y tế tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch và phun hóa chất phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát.
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phun hóa chất phòng dịch sốt xuất huyết tại xã Song An, thị xã An Khê. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN) |
Ngày 21/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, trong hơn một tháng qua, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng đột biến, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 15 đến 18 bệnh nhân.
Mặc dù chưa có trường hợp tử vong, song dịch bệnh có nguy cơ bùng phát tại một số địa bàn trọng điểm phía Đông của tỉnh.
Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch và phun hóa chất phòng ngừa dịch bệnh bùng phát.
Từ đầu năm đến ngày 21/10, bệnh sốt xuất huyết đã ghi nhận tại 140/220 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Gia Lai với gần 2.400 ca mắc. Các địa phương có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết như: thành phố Pleiku (685 ca), thị xã An Khê (221 ca), huyện Đức Cơ (207 ca), huyện Kông Chro (175 ca)...
Đặc biệt, trong vòng nửa tháng trở lại đây, số bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết tăng vọt trên 400 ca và có dấu hiệu gia tăng, khó kiểm soát, do thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi mang mầm bệnh sinh sản, truyền bệnh trong cộng đồng.
Trước diễn biến dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh trong cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai đang phối hợp cùng với Trung tâm Dịch tễ Tây Nguyên triển khai xử lý 2 điểm nóng được dự báo có thể bùng phát dịch sốt xuất huyết vào các tháng cuối năm tại thị trấn Kông Chro và xã Song An, thị xã An Khê.
Bác sỹ Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ cơ số hóa chất diệt loăng quăng để cung ứng xử lý dịch trên địa bàn. Giai đoạn này, thời tiết xen kẽ giữa mưa và nắng, chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes sinh sôi, phát triển nên công tác vệ sinh môi trường thường xuyên liên tục để diệt trung gian truyền bệnh là hiệu quả nhất.
Các cơ sở tiếp nhận điều trị những ngày qua khá vất vả bởi lượt bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện gia tăng liên tục. Nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã có những biến chứng nặng và có khả năng tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời.
|
Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN) |
Từ đầu tháng 10 đến nay, số trẻ em vào Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai điều trị do mắc bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh với 50 ca, gấp đôi số bệnh nhân đã ghi nhận trong cả tháng 8/2020.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày, Khoa Nhiệt đới tiếp nhận hàng chục bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Có ca bệnh khi nhập viện đã xuất hiện biến chứng nặng như sốt cao liên tục, đau bụng, chảy máu chân răng...
Bác sỹ chuyên khoa I Siu Ru, Phó trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai hiện đang ở vào thời điểm giao mùa mưa và nắng nên số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Hàng ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 15 ca bệnh và luôn có khoảng 50 ca bệnh được điều trị trong khoa. Nhiều ca khi nhập viện bệnh đã rất nặng và nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue do virus Dengue gây ra gồm 4 type gây bệnh có ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type này đều có trên người mắc bệnh ở Việt Nam và đều có khả năng gây ra dịch bệnh.
Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tác dụng với từng type nên người bệnh D1 vẫn có thể mắc D2 trong lần sau hoặc mắc lại type D1 trong 2-3 lần nữa.
Do đó, song song với việc phòng, chống dịch bệnh của ngành chức năng, người dân cần chung tay vệ sinh môi trường sạch sẽ. Quan trọng nhất là khi có dấu hiệu sốt, nhức mỏi toàn thân... nên đến cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Nguyễn Hoài Nam (TTXVN/Vietnam+)