(GLO)- Với một quá trình nỗ lực liên tục và bền bỉ để xây dựng chính quyền phục vụ, kiến tạo, năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai lần đầu tiên lọt vào nhóm khá khi đứng thứ 26/63 tỉnh, thành. Mục tiêu vào top 20 trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc năm 2022 tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp thiết cho toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh.
Doanh nghiệp hài lòng
Chỉ số PCI phản ánh khách quan, chính xác, trung thực kết quả đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong mối quan hệ tương tác với chính quyền địa phương, thể hiện qua 128 thông số và 10 nhóm chỉ số thành phần. Năm 2021, Gia Lai có 5 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2020 gồm: tiếp cận đất đai 7,56 điểm (tăng 0,57 điểm), chi phí không chính thức 6,98 điểm (tăng 0,36 điểm), hỗ trợ doanh nghiệp 6,89 điểm (tăng 1,11 điểm), đào tạo lao động 5,95 điểm (tăng 0,82 điểm), thiết chế pháp lý 7,57 điểm (tăng 1,01 điểm). Với 64,9 điểm, Gia Lai đứng ở vị trí thứ 26 trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc năm 2021 (tăng 12 bậc so với năm 2020) và xếp thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên. Đây là kết quả cao nhất mà Gia Lai đạt được kể từ khi tham gia đánh giá, xếp hạng chỉ số PCI.
Người dân được hướng dẫn làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy |
Việc lọt vào nhóm khá trên bảng xếp hạng PCI đối với một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên còn quá nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp chưa nhiều, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến gần 45% dân số như Gia Lai cho thấy những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo sự hài lòng trong cộng đồng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Việc khảo sát chỉ số PCI gần như dựa trên sự đánh giá cảm tính, chủ quan của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cảm nhận được môi trường đầu tư tốt sẽ đánh giá tốt. Nhưng chỉ cần gặp khó khăn, vướng mắc gì từ phía chính quyền trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án đầu tư hay trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ đánh giá chưa tốt. Việc PCI năm 2021 của Gia Lai vươn lên xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên, xếp thứ 26 toàn quốc, tăng đến 12 bậc so với năm 2020 cho thấy doanh nghiệp đã có sự hài lòng nhất định so với những năm trước”.
Một lần nữa khẳng định điều này, bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: “Môi trường đầu tư của Gia Lai đã được cải thiện rõ nét, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chúng tôi rất thuận lợi trong tiếp nhận mặt bằng, tuyển dụng lao động. Kế hoạch của chúng tôi là sẽ mở thêm các chi nhánh tại một số địa phương khác trong tỉnh. Tôi tin rằng việc này cũng sẽ được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị phát triển hoạt động kinh doanh”.
Tương tự, ông Đặng Tấn Tài-cán bộ kỹ thuật Dự án điện gió HBRE Gia Lai-nhận định: “Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để dự án sớm được triển khai xây dựng”.
Quyết tâm vào top 20
Trong các buổi đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp do tỉnh và các sở, ngành tổ chức, một số tồn tại kéo dài đã được doanh nghiệp chỉ ra như: doanh nghiệp vẫn còn gặp cản trở khi tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng chậm; một số trường hợp thu hồi đất chưa được bồi thường thỏa đáng; cán bộ tiếp nhận hồ sơ chưa nắm kỹ các luật liên quan nên gây khó khăn cho doanh nghiệp; chưa có sự đồng bộ giữa các sở, ngành khiến thời gian doanh nghiệp gia nhập thị trường bị chậm... Những điều này chính là nguyên nhân khiến PCI của tỉnh nhiều năm liền không thể bứt phá. Theo kết quả công bố bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2021, Gia Lai vẫn còn 5 chỉ số thành phần chưa được doanh nghiệp đánh giá cao gồm: gia nhập thị trường với 6,39 điểm (giảm 0,92 điểm), tính minh bạch 5,68 điểm (giảm 0,71 điểm), chi phí thời gian 6,84 điểm (giảm 1,56 điểm), tính năng động 6,69 điểm (giảm 0,48 điểm), cạnh tranh bình đẳng 6,7 điểm (giảm 0,79 điểm).
Để phấn đấu nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất nước, ngày 19-8, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1867/KH-UBND về khắc phục, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo. Mục tiêu của kế hoạch là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ doanh nghiệp, tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào hệ thống chính quyền.
Đồ họa: Minh Huệ |
Kế hoạch đề ra 21 giải pháp căn cơ, sát sườn để triển khai thực hiện. Trong đó, các sở, ngành đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì các chỉ số con có mức xếp hạng cao; tập trung các giải pháp cải thiện các chỉ số con có mức xếp hạng thấp, lấy mục tiêu cao nhất để phấn đấu. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị trực thuộc (của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố) được phân công chịu trách nhiệm cụ thể cho 142 chỉ số con thuộc 10 chỉ số thành phần PCI. Các sở, ngành cũng được phân công nhiệm vụ chủ trì, theo dõi, tổng hợp từng chỉ số thành phần liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của ngành mình. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được phân công chủ trì, phụ trách chỉ số gia nhập thị trường và cạnh tranh bình đẳng; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì theo dõi chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì theo dõi chỉ số tính minh bạch; Sở Nội vụ chủ trì theo dõi chỉ số chi phí thời gian, chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền; Thanh tra tỉnh chủ trì theo dõi chỉ số chi phí không chính thức; Sở Công thương chủ trì theo dõi chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì theo dõi chỉ số đào tạo lao động; Sở Tư pháp chủ trì theo dõi chỉ số thiết chế pháp lý.
Đáng chú ý, kế hoạch đã đưa ra một số giải pháp liên quan đến các chỉ số thành phần đang giảm điểm, đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp; chú trọng trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giám sát cán bộ cấp dưới thực thi công vụ, tiếp xúc, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, người dân. Xây dựng trang thông tin điện tử minh bạch với tất cả thông tin liên quan đến hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương phục vụ tra cứu, tìm hiểu hoặc tham gia đóng góp ý kiến của người dân và doanh nghiệp; tập trung nhân lực cho chuyên mục hỏi đáp trên trang website, trả lời ngay khi người dân và doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị, nhất là phản ánh về tình trạng thiếu trách nhiệm, tiêu cực, nhũng nhiễu, xử lý nghiêm hành vi xử lý công việc trái quy định, gây chậm trễ, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm.
Gia Lai tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh, nâng cao vị trí trên bảng xếp hạng PCI. Ảnh: Hà Duy |
Cũng theo kế hoạch này, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát nhằm đơn giản hóa, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phấn đấu giảm thời gian thực hiện 30-70% so với quy định của pháp luật; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính bằng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo đúng thời gian và trước thời hạn; kết quả giải quyết được gửi đến người dân, doanh nghiệp thông qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm giảm thời gian đi lại.
Liên quan đến việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho rằng: “Về chỉ số gia nhập thị trường đo lường thời gian doanh nghiệp nhận được mọi giấy phép, thủ tục cần thiết để bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, Gia Lai giảm 3 bậc so với năm 2020 (từ vị trí thứ 47 xuống vị trí thứ 50/63). Đề nghị các cơ quan cấp giấy phép con cho doanh nghiệp hoạt động nên tổ chức dịch vụ hành chính công để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Pháp luật đã cho phép và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm được điều này. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh luân chuyển hồ sơ bằng file ảnh qua mạng để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính”.
Còn ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì cho hay: “Sở sẽ tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan để hoàn thành nhiệm vụ. Hiện Sở vẫn còn 3 vấn đề tồn tại, chưa được doanh nghiệp đánh giá cao là tính minh bạch, chi phí không chính thức và vai trò người đứng đầu. Chúng tôi ghi nhận và tiếp tục đề ra những giải pháp cụ thể để khắc phục”.
HÀ DUY