(GLO)- Sáng 13-4, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành-Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) quý I và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II-2022. Tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh có các thành viên Ban ATGT tỉnh và một số đơn vị liên quan.
Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí
Trong quý I-2022 (từ ngày 15-12-2021 đến 14-3-2022), toàn tỉnh xảy ra 94 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 72 người chết, 77 người bị thương, tăng 9 vụ, 7 người chết, 19 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý là TNGT đặc biệt nghiêm trọng tăng đột biến (tăng 300%) với 4 vụ làm 15 người chết, 4 người bị thương liên quan đến xe ô tô tải chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, 6 địa phương có số người chết tăng gồm: Kông Chro, Ayun Pa, Chư Prông, Đak Đoa, Krông Pa, Phú Thiện.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn |
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh-cho rằng: Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do người tham gia giao thông không chú ý quan sát, lấn đường, vi phạm tốc độ, tránh, vượt, dừng, chuyển hướng sai quy định. Cùng với đó, một số địa phương chưa duy trì thực hiện thường xuyên, đồng bộ, kiên trì các giải pháp để kéo giảm TNGT; công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình đối với thanh-thiếu niên, nhất là người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn hạn chế. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao; một số địa phương chưa tập trung xử lý nghiêm vi phạm đối với người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô.
Nhận trách nhiệm với Ban ATGT tỉnh, ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ATGT huyện Kông Chro-cho biết: Tình hình TNGT trên địa bàn diễn biến phức tạp, số vụ và số người chết cao hơn so với cả năm 2021. Trong số 5 vụ TNGT làm 9 người chết thì có đến 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người chết. Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho rằng, nguyên nhân chính là cấp ủy, chính quyền ở các xã, thị trấn chưa sâu sát, quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo TTATGT, vai trò của lực lượng Công an chính quy tăng cường về xã chưa phát huy đúng mức. Mặt khác, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban ATGT huyện và cấp xã còn yếu, việc xử lý trách nhiệm đối với các xã, thị trấn để xảy ra TNGT tăng cao chưa thật sự cương quyết. Công tác tuyên truyền mặc dù được tăng cường nhưng hiệu quả đạt thấp, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân chưa cao, đặc biệt là thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số.
“Tình trạng người dân không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển phương tiên giao thông còn phổ biến. Đa số xe mô tô đã cũ, không đủ điều kiện lưu hành nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn vì đây hầu hết thuộc diện hộ nghèo không có điều kiện đổi xe mới; lực lượng Cảnh sát Giao thông mỏng nên cũng gặp khó trong việc tuần tra khép kín địa bàn”-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro nêu nguyên nhân.
Nằm trong danh sách các địa phương có TNGT tăng cao, ông Phạm Vũ Tú-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-thông tin: Quý I-2022, toàn huyện xảy ra 9 vụ TNGT làm 10 người chết, 7 người bị thương, tăng 2 vụ, 5 người chết và 4 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ quan là do địa phương chưa làm tốt công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, đặc biệt là trong thanh-thiếu niên dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban ATGT huyện chưa thực hiện các giải pháp quyết liệt, chưa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với người điều khiển phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông. Hiện trên các tuyến quốc lộ 19, tỉnh lộ 663, 665 đang thi công cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
“Trước tình trạng này, UBND huyện và Ban ATGT huyện đã tổ chức đánh giá, bàn giải pháp quyết liệt, đồng thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông huyện, tổ tự quản an toàn giao thông các xã phối hợp với Mặt trận, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới. Huyện giao các xã gọi hỏi, răn đe các đối tượng thanh niên lêu lổng hay lôi kéo những thanh niên khác tham gia giao thông khi chưa có giấy phép lái xe dẫn đến việc gây ra TNGT. Đồng thời, kiến nghị Công an tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát xe quá khổ quá tải; các đơn vị thi công quốc lộ 19, tỉnh lộ 663, 665 có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông”-ông Tú kiến nghị.
Tập trung kéo giảm tai nạn giao thông
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương như: Ayun Pa, Krông Pa và Đak Đoa cũng đưa ra những giải pháp nhằm kéo giảm TNGT thời gian tới như: tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, xe không đủ điều kiện tham gia giao thông; tổ chức rà soát các "điểm đen" về TNGT cao để lắp đặt biển cảnh báo, phát quang những nơi che khuất tầm nhìn, xử lý xe quá khổ quá tải và tăng cường tuần tra kiểm soát theo khung giờ cao điểm thường xuyên xảy ra TNGT. Bên cạnh đó là chủ động phối hợp với Mặt trận, đoàn thể đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền tại các thôn, làng; phát động người dân lắp đặt camera an ninh để kiểm soát giao thông trên các tuyến đường, hệ thống điện chiếu sáng ở những điểm giao giữa đường giao thông nông thôn với quốc lộ...
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II-2022. Ảnh: Minh Nguyễn |
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý địa bàn và kiềm chế TNGT, ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Huyện có 60% đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông chính trên địa bàn huyện tập trung vào tuyến quốc lộ 25 và tỉnh lộ 662B. Do vậy, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát của lực lượng chuyên trách thì huyện chú trọng đến việc tuyên truyền của cả hệ thống chính trị. Quý I-2022, huyện đã tuyên truyền bằng loa lưu động 77 buổi trên tuyến quốc lộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người dân. Công an các xã, thị trấn tiến hành gọi hỏi răn đe 190 đối tượng thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT trên địa bàn, yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Ký cam kết với 38 chủ phương tiện xe độ chế, xe công nông, máy kéo ký cam kết hoạt động đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến giao thông và hư hỏng kết cấu đường; lắp biển phản quang khi tham gia giao thông.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phân loại đối tượng để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Kiểm tra, rà soát cơ sở hạ tầng tại các điểm giao giữa đường giao thông nông thôn với tuyến quốc lộ để có giải pháp khắc phục, đảm bảo ATGT; triển khai xã hội hóa lắp đặt, giám sát xử lý vi phạm TTATGT; đồng thời, nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông”-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện nêu giải pháp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nghiêm khắc phê bình các địa phương để tăng cao số người chết do TNGT trong quý I-2022. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, để kiềm chế, kéo giảm TNGT thì cả hệ thống chính trị cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật; rà soát, lên danh sách cụ thể các đối tượng cá biệt thường xuyên vi phạm TTATGT tại cơ sở để có biện pháp giáo dục, răn đe phù hợp. Mặt trận, các đoàn thể cần thay đổi nội dung, hình thức tuyên truyền, chủ động gắn kết với các lực lượng, tranh thủ các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, tranh thủ người có uy tín trong từng khu, cụm dân cư để tập trung vào các đối tượng cần tuyên truyền.
Hiện trường vụ TNGT trên quốc lộ 19-đoạn qua thôn Cầu Vàng (xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) ngày 9-4-2022. Ảnh: Văn Hòa |
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế; tiếp tục rà soát, khắc phục những "điểm đen" tiềm ẩn TNGT; xử lý nghiêm tình trạng xe chở quá khổ, quá tải; huy động tối đa lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATGT; triển khai công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh sớm đưa ra xét xử một số vụ án điểm về tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để giáo dục, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt pháp luật về TTATGT.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Các sở, ngành, địa phương lấy công tác phòng ngừa là chính, đừng để TNGT xảy ra mới lo khắc phục hậu quả. Quyết tâm trong thời gian tới và cả năm 2022, chúng ta phải giảm sâu cả 3 tiêu chí và không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng như thời gian vừa qua và giảm thiểu các vụ TNGT nghiêm trọng. Đơn vị nào, địa phương nào để số người chết, số người bị thương tăng cao thì sẽ đánh giá người đứng đầu không hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí là không hoàn thành nhiệm vụ”.
MINH NGUYỄN