(GLO)- Những ngôi trường nằm ngay bên các tuyến quốc lộ 14, hay tỉnh lộ 664 có mật độ xe đông, nhiều loại phương tiện qua lại luôn là nỗi lo đối với phụ huynh và học sinh. Đặc biệt các em học sinh Tiểu học, nếu không có sự đưa đón, hướng dẫn của phụ huynh và nhà trường thì tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Quốc lộ 14, đoạn chạy qua huyện Chư Pah được coi là “cung đường tử thần” bởi các phương tiện tham gia giao thông với mật độ cao, có rất nhiều ngã ba, ngã tư giao cắt với các đường dân sinh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Bên cạnh đó, đoạn đường này tập trung nhiều khu dân cư, nhiều đoạn hành lang giao thông bị lấn chiếm… đặc biệt vào những giờ cao điểm. Nằm bên quốc lộ, có học sinh lưu thông trên đường cao là 2 trường Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng và Trường Trung học cơ sở Nghĩa Hưng. Sau giờ tan học, học sinh muốn qua đường đều nơm nớp lo sợ đối phó với các phương tiện lưu thông trên đường.
Học sinh ùa ra đường mỗi khi tan trường. Ảnh: N.T |
Điểm trường làng Bui-Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah nằm bên quốc lộ 14, lượng xe qua lại nhiều, đặc biệt là giờ cao điểm vào sáng sớm và chiều tối khi công nhân tan ca, học sinh tan trường. Với đặc thù điểm trường làng có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều cha mẹ bận mưu sinh nên không thể đưa đón các em. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh được nhà trường rất chú trọng, các giáo viên phải tăng cường giám sát các em. Để tránh các em đi tràn lên trên quốc lộ, nhà trường đã mở đường ngang trường dẫn thẳng vào các làng, hạn chế tối đa việc các em phải lưu thông trên quốc lộ. Đa số học sinh đều tự đi bộ về.
Cô Vũ Thị Thùy An-giáo viên chủ nhiệm lớp 3D, Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng cho biết: “Mỗi giờ tan trường, cô giáo phải nhắc nhở học sinh đi đúng luật an toàn giao thông. Không tự ý chạy lên trên quốc lộ mà không có sự hướng dẫn của người lớn. Các phụ huynh đưa đón con em mình cũng cần phải nhắc nhở, đội mũ bảo hiểm cho con em khi tham gia giao thông”.
Còn Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ia Der, huyện Ia Grai) nằm bên tỉnh lộ 664. Sau tiếng trống tan trường, lượng học sinh tỏa ra đường rất đông. Từng tốp học sinh vô tư dàn hàng 2, hàng 3 trên đường đến khi có tiếng còi xe inh ỏi, các em mới đi gọn lại bên lề đường. Mặc dù nhà trường đã tuyên truyền, nhắc nhở các em, tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm vẫn còn tiếp diễn.
Luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông tại các trường bên quốc lộ, tỉnh lộ. Ảnh: N.T |
Để đảm bảo an toàn giao thông cho các trường, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về an toàn giao thông. Trong đó, khuyến khích các trường đẩy mạnh xây dựng một số mô hình an toàn giao thông trường học và tổ chức phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, những kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Các trường học tổ chức ký cam kết với phụ huynh học sinh không vi phạm luật an toàn giao thông. Tuy nhiên, những gì diễn ra vẫn đang gây tâm lý bất an cho phụ huynh, học sinh khi các trường quá gần quốc lộ, tỉnh lộ.
Cô Phan Thị Thanh Thủy-Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah cho biết: “Trong các buổi sinh hoạt lớp, thầy cô giáo chủ nhiệm đều tuyên truyền, nhắc nhở các em chấp hành tốt các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, nhà trường tổ chức nhiều trò chơi lồng ghép luật an toàn giao thông để nâng cao nhận thức cho trẻ. Một số em phải lưu thông trên quốc lộ, không có bố mẹ đưa đón thì nhà trường nhắc nhở các em phải cẩn thận, quan sát khi qua đường...”.
Để đảm bảo an toàn giao thông cho những ngôi trường gần quốc lộ, tỉnh lộ rất cần sự vào cuộc từ mỗi gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương, ngành chức năng và sự chung tay góp sức của toàn xã hội để các em có thể yên tâm khi đến trường.
Ngọc Thu