(GLO)- Tối 21-5, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022) và công bố, đón nhận Bằng Di sản thiên nhiên thế giới cùng các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh.
Tham dự lễ kỷ niệm, về phía Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu các cục, vụ, viện, cơ quan, đơn vị thuộc các bộ ban ngành Trung ương; các hiệp hội; lãnh đạo 10 tỉnh, thành phố trên cả nước; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh đã chuyển công tác; đại diện Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán các nước, các chuyên gia, các nhà khoa học; đại diện các khu dự trữ sinh quyển trong cả nước.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy |
Về phía tỉnh Gia Lai có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam Anh hùng; các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Gia Lai; đại diện lãnh đạo lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp, các dân tộc, tôn giáo cùng đông đảo Nhân dân trong tỉnh và du khách về dự lễ.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã ôn lại truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Gia Lai. Theo đó, Gia Lai là vùng đất cổ xưa, từ “thuở bình minh” của loài người đã có mặt những tộc người cổ đến chinh phục và khai phá miền đất cao nguyên hùng vĩ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Gia Lai đã có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng về thành phần, hình thành bản sắc cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Gia Lai. Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24-5-1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12-12-1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai. Tháng 6-1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền Cách mạng gọi là Gia Lai cho đến năm 1975, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.
Ngày 20-9-1975, theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Ngày 12-8-1991, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII, Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum. Từ sau khi chia tỉnh, Gia Lai tiếp tục chia tách để lập thêm một số huyện mới. Đến nay, toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố, 220 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 1,55 triệu người với 44 dân tộc cùng sinh sống.
Lãnh đạo tỉnh đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: TTXVN |
Sau ngày giải phóng đất nước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối, linh hoạt nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2020 đạt 7,55%, năm 2021 tăng 9,71%. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020 có 515 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về vốn so với giai đoạn 2011-2015. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 21.598 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 7,02%; năm 2021 đạt 7.881 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD, tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 14,38%/năm, năm 2021 đạt 610 triệu USD. Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có bước phát triển mới vượt bậc. Quy mô, chất lượng giáo dục tăng lên qua từng năm, trong đó giáo dục dân tộc được đặc biệt quan tâm. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 54% trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác dạy nghề được quan tâm; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 55%. Công tác phát triển sự nghiệp y tế thu được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng vừa triển khai công tác phòng-chống dịch, vừa đảm bảo công tác khám-chữa bệnh, cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Công tác quản lý và hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Công tác bảo tàng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 31 di tích đã xếp hạng (gồm 1 quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt; 14 di tích, cụm di tích quốc gia; 16 di tích cấp tỉnh) và 43 di tích trong danh mục kiểm kê. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart trao Quyết định công nhận Cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN |
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn 4,5% vào năm 2020, đến cuối năm 2021 giảm còn 3,96%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 12.945 hộ (giảm 4.233 hộ so với cuối năm 2020). Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đồng bộ. Cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, góp phần ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết, gây mất ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác tôn giáo và chính sách tôn giáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời giải quyết các nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã kiên trì phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh lưu ý một số nội dung trọng tâm. Trước hết, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đắp cho khối đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận giữa các dân tộc; quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, trong đó có việc hiện thực hóa 17 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025; tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng-chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thành việc tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Trần Dung |
Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ. Phát huy tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị làm tốt công tác quy hoạch theo hướng phát triển bền vững. Tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung đầu tư phát triển du lịch, năng lượng tái tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5.
Một tiết mục văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Đức Thụy |
Cùng với đó, cần quan tâm phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11-2021. Bảo vệ và phát huy giá trị khảo cổ về thời đại Sơ kỳ Đá cũ cách đây 80 vạn năm tại địa phương gắn phát triển văn hóa với du lịch và tăng tính kết nối vùng. Có kế hoạch cụ thể, hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng; khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho y tế và giáo dục, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao. Hoàn thiện mạng lưới an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, người yếu thế…
Tại buổi lễ, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đã công bố và trao Quyết định công nhận Cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho tỉnh Gia Lai. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã trao bằng chứng nhận cho 2 di tích lịch sử-văn hóa vừa được nâng cấp, xếp hạng. Đó là Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia.
PHƯƠNG DUYÊN