(GLO)- Ngày 6-7 lại một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn Gia Lai khiến 2 người chết và 20 người bị thương khi xe tải va chạm với xe công nông chở người tại xã An Trung (huyện Kông Chro). Vụ tai nạn này khiến mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông những tháng cuối năm thêm thách thức, bởi theo thống kê, tình hình tai nạn 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh tuy có giảm cả 3 tiêu chí nhưng không đáng kể, không căn cơ. Gia Lai vẫn là một trong 10 tỉnh, thành có số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông cao nhất nước.
Điều đặc biệt cần lưu ý là, theo báo cáo của ngành chức năng, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, ở nông thôn tăng nhanh qua các năm. Công an tỉnh cho biết đã thực hiện tất cả các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông song hiệu quả vẫn không như mong muốn. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong các khu dân cư chưa hiệu quả. Tình trạng người dân vi phạm trật tự an toàn giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, không hiểu biết luật, hiểu luật nhưng cố tình vi phạm... vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Đường xấu cũng gây tai nạn, song đường tốt phóng nhanh, tai nạn còn kinh hoàng hơn.
Ảnh internet |
Gia Lai là tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 45%. Những năm gần đây, khi kinh tế-xã hội phát triển, nhiều người đã mua sắm xe công nông để đi làm, vận chuyển nông sản; mua sắm xe máy cho con em. Xe công nông đã bị cấm nhưng vẫn lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ, lực lượng chức năng vì nhiều lý do, không thể xử phạt mãi được. Nam thanh nữ tú không đội mũ bảo hiểm phóng ẩu gây tai nạn cũng là vấn đề hết sức phức tạp, bởi lực lượng chức năng nếu phát hiện, truy bắt thì gây nguy hiểm cho đối tượng vi phạm và người tham gia giao thông; không truy đuổi thì phản cảm, tạo tâm lý bất tuân pháp luật lan truyền trong giới trẻ, người đi đường bất an. Đấy là chưa kể nạn xe quá tải, quá khổ chở nông sản luôn ở trong tình trạng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Gia Lai bình quân mỗi ngày có 1 người chết vì tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông gây ra cho xã hội biết bao hệ lụy; người bị nạn thường là lao động chính trong gia đình, khi thương tật hoặc mất đi thì gia đình, họ hàng tổn thất rất lớn. Xã hội hao tốn tiền bạc, vật lực, tổn hao tâm lý vì tai nạn giao thông không thể tính hết, nó góp phần kéo giảm tăng trưởng của mỗi địa phương.
Việc kiềm chế tai nạn giao thông trong đó có việc tác động vào ý thức chấp hành pháp luật chung, chấp hành pháp luật và sự hiểu biết khi tham gia giao thông của mỗi con người. Hiện nay, việc đào tạo lái xe chủ yếu đối phó với sát hạch mà thiếu phần dạy kỹ năng, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Những người lái xe chuyên nghiệp ít được học tập, tuyên truyền phổ biến pháp luật kỹ năng tham gia giao thông, khi có bằng lái là hành nghề suốt đời. Thanh-thiếu niên, nhất là thanh-thiếu niên cá biệt, bỏ học sớm, không có điều kiện học hành rất dễ vi phạm giao thông, chúng ta vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để phân loại, răn đe, giáo dục.
Địa bàn Gia Lai có lượng xe công nông (xe độ chế, xe gắn rơ moóc...) rất lớn, là phương tiện phục vụ nông nghiệp chưa thể thay thế, thường chở đông người đi lên rẫy, ra đồng, nếu tai nạn thì số người thiệt hại rất lớn. Không cấm được họ di chuyển trên quốc lộ, tỉnh lộ, vậy liệu có nên quy định thời gian nhất định trong ngày cho họ di chuyển trên quốc lộ, tỉnh lộ hay không? Bởi với điều kiện của tỉnh ta nói riêng, Tây Nguyên nói chung, việc cấm hẳn xe công nông, xe độ chế phục vụ nông nghiệp đi lại trên quốc lộ, tỉnh lộ là hết sức nan giải.
Một vấn đề nữa cũng cần hết sức lưu tâm là quy hoạch các điểm giao cắt, nút giao thông. Tại nhiều điểm giao cắt, ngã ba, ngã tư... nếu giải phóng thông thoáng tầm nhìn, hướng rẽ, chắc chắn sẽ giảm đáng kể tai nạn. Đơn cử, khi lắp đặt bùng binh vòng xoay tại ngã tư Hùng Vương-Nguyễn Tất Thành-Trường Chinh-Lê Duẩn dẫn đến ách tắc và tai nạn liên tục, mấy tháng qua gỡ bỏ bùng binh này, lắp đèn tín hiệu giao thông, khu vực này thông thoáng và hạn chế tai nạn thấy rõ. Thành phố Pleiku đến nay vì nhiều lý do, không ít ngã ba, ngã tư nhà cửa ọp ẹp, khuất tầm nhìn lại rất rủi ro, nguy hiểm.
Kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông là mong muốn của các cấp, các ngành, của mọi nhà nhưng để có chuyển biến rõ rệt phải tiến hành căn cơ nhiều giải pháp. Vì sao nhiều thành phố lớn với điều kiện tự nhiên xã hội phức tạp nhưng tai nạn giao thông ít xảy ra, ngược lại Gia Lai cũng có điều kiện tương đồng như một số nơi khác mà tai nạn giao thông lại phức tạp vẫn đang là một câu hỏi rất cần lời giải. Thiết nghĩ, để kéo giảm tai nạn giao thông, rất cần các biện pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa, bởi như hiện nay, các địa phương tăng giảm tai nạn giao thông qua các năm vẫn hết sức phập phù.
Nhật Cường