Ghềnh Đá Đĩa - Danh thắng thiên nhiên kỳ thú hấp dẫn du khách ở Phú Yên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nét độc đáo của danh thắng Ghềnh Đá Đĩa là ở cấu tạo địa chất đặc biệt gồm nhiều cột đá hình lục giác dựng đứng, chồng lên nhau, đều tăm tắp, nhìn từ xa như tổ ong khổng lồ vươn ra biển.
Ghềnh Đá Đĩa là địa danh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên, nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ghềnh Đá Đĩa là địa danh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên, nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa chừng 35km về phía Bắc, với vẻ đẹp tự nhiên, cấu trúc độc đáo, Ghềnh Đá Đĩa (Gành Đá Đĩa) được xem là tuyệt tác kỳ vĩ của đá mà tạo hóa ban tặng và trở thành viên ngọc quý của ngành du lịch Phú Yên.

Những khối đá bazan hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm xếp chồng lên nhau tạo hình độc đáo nhờ quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa). Theo dòng thời gian, cùng những đợt sóng dồn từ biển, các cột đá ở đây không hề tách rời hay đứt gãy mà cứ bám vào nhau, vờn nhau với biển cả.

Có nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến việc hình thành của ghềnh Đá Đĩa. Giới khoa học cho rằng do dung nham núi lửa phun trào xuống biển gặp nước lạnh đông cứng lại. Cùng với hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt mới tạo nên cảnh quan kỳ thú, độc đáo như ngày nay.

Trên thế giới, ngoài Phú Yên chỉ có một vài nơi khác có hiện tượng này như là các ghềnh đá Giant''s Causeway (Ireland), Los Órganos (Tây Ban Nha) và Fingal (Scotland),...

Còn truyền thuyết lại kể rằng các khối đá hình lăng trụ ở đây là do bàn tay của một vị thần khổng lồ xếp chồng lên nhau hay là một kho báu nào đó bị biến thành đá đậm màu sắc thần thoại.

Ghềnh Đá Đĩa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt, tháng 12/2020. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ghềnh Đá Đĩa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt, tháng 12/2020. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Với chiều rộng hơn 50m và dài khoảng 200m, nhìn từ xa, Ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, ánh lên màu đen huyền bí nổi bật giữa một vùng trời biển trong xanh.

Càng tiến lại gần, du khách sẽ càng ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra hàng chục nghìn cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, liền khít nhau như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa.

Theo dòng chảy thời gian cùng những đợt sóng dồn từ biển, các cột đá ở đây không hề tách rời hay đứt gãy mà cứ bám vào nhau, lớp nọ nối tiếp lớp kia vươn mình ra biển lớn.

Ghềnh Đá Đĩa còn hấp dẫn người xem bởi những gam màu biến đổi theo ánh sáng mặt trời. Khi bình minh lên, màu đen tuyền của những khối đá đĩa phủ ánh vàng rực rỡ của tia nắng chói chang đầu ngày đặc trưng vùng duyên hải miền Trung. Còn khi chiều xuống, ráng đỏ hoàng hôn nhuộm hồng các phiến đá. Bởi thế, mỗi khoảnh khắc Ghềnh Đá Đĩa lại mang đến cho du khách những cảm nhận khác nhau.

Sẽ thật tuyệt nếu du khách được đặt chân lên từng phiến đá và trải nghiệm cảm giác mát lạnh dưới bàn chân khi từng làn sóng biển xô vào mỏm đá, tung bọt trắng xóa.

Giữa làn nước trong xanh thơ mộng ghềnh đá nổi lên màu đen nâu huyền bí, dưới chân là những con sóng tung bọt trắng xóa ì oạp vỗ ngày đêm. Dưới chân ghềnh có những hõm trũng vào sâu là nơi trú ngụ của nhiều loài sinh vật biển du khách dễ dàng quan sát khi tham quan.

Đứng trên cao trải dài tầm mắt nhìn ra xa là cả khung cảnh yên bình thơ mộng, làn nước xanh mát, biển trời mênh mông với những con thuyền bồng bềnh trên sóng nước.

Bình minh trên Ghềnh Đá Đĩa. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Bình minh trên Ghềnh Đá Đĩa. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Với những giá trị về địa chất, lịch sử, Ghềnh Đá Đĩa được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, giá trị, bảo vệ hiệu quả di tích, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Đặc biệt Danh thắng Ghềnh Đá Đĩa, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An với nguồn kinh phí gần 40 tỷ đồng.

Ngoài hạ tầng hiện tại, dự án sẽ mở rộng bãi đỗ xe, cải tạo đường và cổng vào di tích, mở rộng hoa viên, hồ điều hòa, tiểu cảnh.

Đặc biệt, dự án sẽ đầu tư thêm cầu đi bộ ngắm cảnh quan, cầu phao nổi trên mặt nước để du khách ngắm toàn cảnh Ghềnh Đá Đĩa từ biển, không để du khách đi trực tiếp lên bề mặt đá đĩa.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập quy hoạch tổng thể Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt Ghềnh Đá Đĩa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có thể bạn quan tâm