"Đương" - nốt lặng rất "Đà Lạt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu tìm "Quán Đương" trên internet, bạn sẽ không có được nhiều thông tin. Quán dường như không có mặt trong top những điểm check-in thần sầu của giới trẻ, người ta đến với Đương chủ yếu qua đường "truyền miệng".

 

 




Đi bộ một đoạn quanh co theo sườn một con đồi ở phường 3, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), giữa hai hàng thông xanh phả hơi mát lạnh, tôi đến được Đương. Tôi không gọi Đương là quán cà phê, vì ở Đương còn có trà gừng sả mật ong, nước thơm, nước sim, nước dâu tằm, mứt thơm bồ công anh, yaourt, rượu mơ và cả đồ ăn nữa. Giữa mảng xanh của đồi thông, Đương nhỏ bé toát lên một nét nâu trầm trong nắng.

 

Đường vào quán Đương
Đường vào quán Đương
 
 
 



Nhiều người tìm đến Đương như một sự trở về, nơi có mấy bộ bàn ghế cũ kỹ, khung cửa sổ nâu trầm, hoa lá thì căng mình hứng nắng. Căn nhà gỗ được thiết kế nhiều cửa sổ đón nắng và ngắm mảng xanh ngoài vườn. Khách đến mà ngỡ như thấy tuổi thơ mình qua gian bếp, tủ, giàn, kệ, tấm chiếu, rèm hoa, mấy chiếc khạp ngâm rượu sim, vài chú chó, mèo loanh quanh vui cùng khách. Có lẽ vì sự yên bình mà người ta sẵn sàng vượt đồi dốc quanh co để đến đây.

 

 
 
 
 




Mọi thứ ở quán chân chất mà cũng lãng mạn. Điểm đặc biệt ở Đương là tính nghệ sĩ. Những đĩa nhạc được xếp đầy trên kệ, đâu đó ở góc quán sẽ thấy chiếc đàn guitar hay ukulele. Nhìn đôi bạn ngồi đàn hát ngoài sân, bất chợt tôi nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng có một mong ước: "Thông đang reo dưới đồi. Anh ước mơ một căn nhà có khói um lên trên đỉnh. Trong đó có một hạnh phúc vừa đủ để người này nương vào người kia".

Ngồi bên hiên nhà, tôi như tìm lại khoảng lặng mà mình đã bỏ quên. Mở quyển sách ra đọc mà nắng vàng soi rõ chữ mồn một, nhâm nhi ly cà phê sữa và ngắm mây bay lơ lửng trên đầu. Ôi, có những điều vu vơ không thể diễn tả được bằng lời. Tôi bất chợt nhận ra tâm hồn mình hóa bông hoa dại, trong lành giữa ngàn thông…



 

 
 



Đó là chuyện của ngày nắng, còn nếu lỡ trời vương vấn buồn mà chuyển cơn mưa, gọi một ly trà gừng sả mật ong cho ấm lòng và gặm nhấm quyển "Thư tình gửi một người" để nghe lời tâm sự của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Cuộc sống ở đây an bình dễ chịu. Có lẽ rồi anh cũng kiếm cách về đây, làm đồn điền và xa lánh những chen đua vô ích. Tìm một hạnh phúc nào nhỏ nhất cho vừa đời mình. Làm một căn nhà sàn với bàn ghế bằng những gốc thông ghép lại, sống rất gần với gỗ với cây với núi rừng với đất".

Và có lẽ, Đương cũng an bình dễ chịu như thế. Một nốt lặng rất "Đà Lạt" chờ người tìm đến để tìm an yên.

 

Hoa Tâm (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

Giữ nghề để tạo dựng làng du lịch

(GLO)- Hình thành những làng nghề truyền thống để tạo sinh kế bền vững, góp phần giữ rừng, làm du lịch là mục tiêu của Dự án đào tạo nghề đan lát, làm cung nỏ cho người Bahnar ở 3 ngôi làng Kon Jôt, Kon Nak, Kon Pơdram thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.