Du lịch miền Trung kỳ vọng sản phẩm mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng với việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng còn đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong và ngoài nước để tạo sản phẩm du lịch mới lạ, góp phần thu hút khách trong tình hình mới.

Một khách hàng trải nghiệm du lịch ảo chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Một khách hàng trải nghiệm du lịch ảo chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng). Ảnh: Xuân Quỳnh



Tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn, lăng Gia Long, Đại nội Huế… và phá Tam Giang, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã cùng các doanh nghiệp lữ hành bắt tay vào thiết kế xây dựng tour “Du lịch Xanh - Huế” khép kín với mô hình “bong bóng du lịch” và “hai cung đường, một điểm đến”. Qua đó, quảng bá và tạo điểm đến du lịch sinh thái, làng quê, du lịch tâm linh kết hợp với Di sản Huế phù hợp, mang tính trải nghiệm, đáp ứng yêu cầu du lịch an toàn.  

Tận dụng những mảng xanh thiên nhiên, “Con đường tình yêu” đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để đưa vào khai thác tại Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài (Đà Nẵng) để mở cửa đón khách trở lại từ ngày 2-12.

Tại Thừa Thiên - Huế, để đón đoàn khách du lịch đầu tiên từ phía Hàn Quốc sang Huế dự hội nghị xúc tiến đầu tư, dự kiến tổ chức vào tháng 12-2021 tại Laguna Lăng Cô, Sở Du lịch tỉnh này vừa ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác và xúc tiến du lịch, đầu tư với Công ty TNHH Smart Media City và Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài. Mục tiêu là để tổ chức các tuyến bay thẳng hoặc quá cảnh từ Hàn Quốc đến trực tiếp Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài và ngược lại trong tương lai; kêu gọi đầu tư từ phía đối tác Hàn Quốc đến đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ở nhiều lĩnh vực...

Từ những phản hồi tích cực khi thí điểm công nghệ thực tế VR360 tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng ra mắt ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng” mở rộng với các điểm đến nổi tiếng ở sông Hàn, bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn... Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, cho rằng, đó là giải pháp thích hợp đối với du khách không thể đi du lịch do sức khỏe hoặc đến các khu vực hiện đang bị hạn chế do dịch bệnh. Tất cả hình ảnh, không gian, màu sắc của điểm đến đều được tái hiện chính xác khi đưa lên môi trường thực tế ảo. Mỗi nơi đều có cài đặt thuyết minh tự động mang đến cho người xem cảm giác như được trải nghiệm tại chỗ.  

Gần 100 doanh nghiệp du lịch của 4 địa phương Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình và gần 100 đơn vị lữ hành đến từ 3 nước Thái Lan, Malaysia, Singapore vừa tham gia hội nghị trực tuyến lần đầu tổ chức về du lịch. Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng, quảng bá, hợp tác du lịch trực tuyến là xu hướng tất yếu khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nếu không chủ động sẽ trở thành bị động khi du lịch phục hồi.


Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, sự chủ động xây dựng kế hoạch của từng địa phương là yếu tố quyết định giúp mỗi điểm đến đón khách quốc tế trở lại.

Theo VĂN THẮNG - XUÂN QUỲNH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.