Du lịch gần nhà và an toàn: Xu hướng chủ đạo của du lịch Việt Nam 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong năm 2021, du lịch nội địa vẫn là trọng tâm phát triển của ngành du lịch. Biển đảo và các thành phố du lịch nổi tiếng vẫn tiếp tục là các điểm đến hàng đầu và dự đoán đây cũng sẽ là những điểm đến được du khách Việt Nam ưa chuộng trong năm 2021.

Nhận định này được Outbox Consulting - công ty chuyên cung cấp các giải pháp nghiên cứu và tư vấn chuyên sâu cho ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam đưa ra trong báo cáo “Xu hướng Du lịch Việt Nam 2021” công bố ngày 24-2.
Nhận định này được Outbox Consulting - công ty chuyên cung cấp các giải pháp nghiên cứu và tư vấn chuyên sâu cho ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam đưa ra trong báo cáo “Xu hướng Du lịch Việt Nam 2021” công bố ngày 24-2.


Thay đổi thói quen du lịch

Trước Covid-19, việc khám phá một thành phố đông đúc, lang thang qua các khu chợ nhộn nhịp, thưởng thức bữa tối tại các quán ăn bình dân địa phương là những hoạt động được du khách Việt Nam ưa thích. Tuy nhiên, với việc tình hình dịch bệnh vẫn chưa thật sự được kiểm soát hoàn toàn, dù vẫn có nhu cầu đi du lịch, an toàn về sức khoẻ vẫn là ưu tiên hàng đầu của du khách trong bối cảnh mới.

Do đó, du lịch theo hướng giãn cách xã hội để thích nghi với tình hình sẽ là trào lưu năm 2021. Du khách theo xu hướng du lịch này sẽ lựa chọn các điểm đến vắng vẻ gần với nơi mình sinh sống để có thể tự sắp xếp chuyến đi nhưng vẫn bảo đảm được an toàn trước tình hình dịch bệnh.

Du khách Việt Nam thường bỏ ra từ 2 - 3 ngày để đi đến các điểm đến trong nước, và sẽ kết hợp các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ lễ ngắn. Do vậy, họ sẽ chọn những điểm đến dễ di chuyển và gần thành phố họ sinh sống.

Các điểm đến biển đảo vẫn được du khách Việt Nam ưa chuộng hàng đầu.Trong đó, Vũng Tàu và Nha Trang là hai điểm đến thuận tiện di chuyển nổi lên như những điểm đến nổi tiếng với du khách nội địa. Bên cạnh đó, những điểm đến nổi tiếng khác như Hạ Long, Sa Pa, Phú Quốc hay Đà Lạt cũng là những điểm đến thu hút khách du lịch.

Nếu nói du lịch theo hướng giãn cách xã hội là cách du khách tự túc đi du lịch, thì du lịch theo nhóm nhỏ là cách các du khách đi theo tour thích ứng với bối cảnh hiện tại.

Khác với năm 2019, một tour du lịch thông thường có đến 20 - 30 người, du lịch theo tour trong năm 2021 sẽ có quy mô nhỏ hơn nhằm hạn chế rủi ro lây lan của dịch bệnh.

Theo Outbox Consulting, đại dịch Covid-19 sẽ khiến du lịch hướng tới chăm sóc sức khỏe (Wellness travel) trở thành một xu hướng nổi trong năm 2021. Du lịch hướng đến sức khoẻ không phải là xu hướng mới trong ngành du lịch, tuy nhiên, trong thời đại dịch, sự mệt mỏi và căng thẳng gần như đã trở thành điều quen thuộc đối với mọi người. Vì vậy, khi đại dịch được kiểm soát, khách du lịch sẽ tìm kiếm những chuyến đi nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ sau thời gian dài bị kìm nén nhu cầu du lịch.

Năm 2019, Việt Nam được xem là một điểm đến mới nổi cho xu hướng du lịch hướng tới chăm sóc sức khỏe tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này cộng với sự gia tăng về nhu cầu của du khách đối với xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe trong năm nay sẽ là cơ hội tốt cho thị trường du lịch wellness của Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến an toàn về việc kiểm soát dịch bệnh.

Một đặc điểm hình thành trong đại dịch Covid-19 nữa là việc du khách sẽ có xu hướng đặt các dịch vụ lưu trú cuối cùng, vì họ nghĩ rằng khi hủy dịch vụ khách sạn sẽ khó lấy lại tiền hơn so với các chuyến bay bị hủy.

Trước khủng hoảng Covid-19, du khách Việt thường lên kế hoạch đi du lịch và đặt dịch vụ từ rất lâu trước khi khởi hành, đặc biệt là các chuyến du lịch nước ngoài nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp về dịch bệnh, việc rút ngắn thời gian đặt phòng sẽ giảm thiểu được rủi ro do thay đổi chính sách du lịch hay hạn chế di chuyển.

 


Tình hình kinh tế cũng sẽ là yếu tố làm thay đổi xu hướng đi du lịch của du khách; khi thu nhập giảm sút, du khách sẽ bắt đầu tìm kiếm những điểm đến và trải nghiệm ít tốn kém hơn.

Công nghệ không chạm truyền cảm hứng du lịch

Việc sử dụng công nghệ số trong du lịch đã được thế giới và Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các công ty lữ hành, các điểm đến tại Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số trong năm 2020.

Trong năm 2021, công nghệ sẽ là yếu tố hàng đầu giúp du khách có lại tự tin khi đi du lịch. Outbox Consulting dẫn kết quả cuộc khảo sát của Censuswide cho thấy, hơn 4/5 khách du lịch cho biết công nghệ sẽ giúp họ tự tin đi du lịch trong 12 tháng tới. Du khách cho rằng một ứng dụng di động cung cấp thông tin và cảnh báo trong chuyến đi (chẳng hạn như nếu có một đợt bùng phát cục bộ hoặc có những hướng dẫn mới từ chính phủ) sẽ rất cần thiết trong năm nay.

Bên cạnh đó, thanh toán không chạm (thí dụ như Apple hoặc Google Pay, PayPal và Venmo) sẽ làm tăng sự tự tin của du khách để thực hiện các chuyến đi trong 12 tháng tới. Vào năm 2021, an toàn sẽ là điều tối quan trọng và các giải pháp công nghệ đơn giản có thể là động lực thúc đẩy mọi người khám phá thế giới một cách tự tin hơn. Du khách Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng công nghệ chung này của thế giới.

Nhận định về lộ trình mở cửa phục hồi du lịch Việt Nam, báo cáo của Outbox Consulting cho rằng, điều này phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch của các nước. Ngoài vaccine, tốc độ phục hồi du lịch cũng sẽ phụ thuộc phần nhiều vào các động lực thúc đẩy mở cửa điểm đến.

Theo TRANG LINH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm