Du lịch cộng đồng: Chuyển động tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau các tour du lịch thử nghiệm (được dự án hỗ trợ), tour “Du lịch cộng đồng làng Mơ Hra” (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) vừa được người dân tự tổ chức thành công cho một đoàn du khách trên 30 người đến từ TP. Hồ Chí Minh. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự tự chủ của người dân Mơ Hra khi làm du lịch cộng đồng, qua đó cho thấy sự chuyển động tích cực của loại hình này.
Sau một thời gian được Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) hướng dẫn cách làm du lịch dựa vào di sản, làng Mơ Hra đã chủ động đón đoàn khách du lịch đầu tiên. Chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng, người quản lý các hoạt động du lịch của làng-cho biết: “Tùy vào số lượng khách mà làng huy động người phục vụ để đảm bảo ngày công cho bà con. Với đoàn khách lần này, chúng tôi bố trí gần 30 người phục vụ ở tất cả các khâu như chế biến món ăn, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang. Là lần đầu tiên làng tự đứng ra tổ chức phục vụ du khách nhưng mọi hoạt động diễn ra trơn tru, theo đúng quy trình đã được hướng dẫn. Kinh phí tổ chức cũng do làng tự bỏ ra. Sau khi trừ chi phí, làng đã họp để chia đều nguồn thu cho các thành viên tham gia phục vụ, còn lại một phần làm quỹ chung cho các hoạt động kế tiếp. “Trăm hay không bằng tay quen”, sau khởi đầu thuận lợi này, làng tự tin hơn khi đón các đoàn khác và dần hoàn thiện những gì còn yếu và thiếu”.
Du khách hào hứng trải nghiệm ẩm thực bản địa tại làng Mơ Hra. Ảnh: M.C
Du khách hào hứng trải nghiệm ẩm thực bản địa tại làng Mơ Hra. Ảnh: M.C
Anh Huỳnh Công Hiếu-hướng dẫn viên Công ty cổ phần Đầu tư Vietguide, người đã tham gia các tour thử nghiệm trước đó tại làng Mơ Hra-nhận định: Ngôi làng này là một “viên ngọc thô” của loại hình du lịch cộng đồng không chỉ ở Gia Lai mà của cả khu vực Tây Nguyên. Trong khi các làng du lịch cộng đồng trong khu vực đã bị thương mại hóa thì Mơ Hra vẫn còn nguyên sự mộc mạc, hoang sơ của từ cảnh vật đến văn hóa, con người. Trong khi các nơi khác cố gắng phục dựng thì Mơ Hra gần như vẫn gìn giữ được giá trị di sản vốn có. Đó là lý do sau nhiều lần đến đây khảo sát, anh Hiếu đã quyết định đưa khách từ TP. Hồ Chí Minh về trải nghiệm. Anh Hiếu nhận định: “Gia Lai đã đi đúng hướng trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Đến giờ, sau nhiều tour du lịch thử nghiệm, tôi thấy bà con đã thay đổi rõ rệt nhận thức về du lịch, có sự điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu của du khách nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa. Đó mới chính là yếu tố thu hút, hấp dẫn. Không phải bằng sự đầu tư hiện đại, mà chính bản sắc văn hóa Bahnar đậm đặc mới tạo nên sức hút cho sản phẩm du lịch cộng đồng Mơ Hra. Tôi rất yêu mến điểm đến này và sẽ còn đưa khách đến đây trong thời gian tới”.
Các loại bánh làm từ củ mì phục vụ tại làng du lịch cộng đồng Mơ Hra. Ảnh: M.C
Các loại bánh làm từ củ mì phục vụ tại làng du lịch cộng đồng Mơ Hra. Ảnh: M.C
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Du lịch cộng đồng đề cao quyền làm chủ, chú ý phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Với khách du lịch, du lịch cộng đồng  tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của cộng đồng.

Anh Hiếu cho biết thêm, hiện nay, xu hướng của du khách là muốn trải nghiệm những gì đời thường nhất nhưng lại mang đến nhiều cảm xúc mới lạ. Cách làm du lịch của người dân Mơ Hra chưa thật sự chuyên nghiệp nhưng lại vô cùng chân thật, mộc mạc và đã tạo nên sức hấp dẫn. “Nếu chuẩn bị quá kỹ càng sẽ trở nên dàn dựng, giả tạo. Theo tôi, vấn đề cần bổ sung là kỹ năng, quy trình để phục vụ tốt hơn. Nhất là nghi thức chào đón du khách phải thật ấn tượng vì các dân tộc luôn có những kiểu chào đón khách đến nhà độc đáo khác nhau, cần khai thác sự khác biệt đó trong văn hóa để tăng sức hấp dẫn. Dân làng cũng có thể làm những món quà nho nhỏ tặng du khách khi chia tay như một cái vòng tay bằng thổ cẩm chẳng hạn. Bằng cách đó, du khách sẽ nhớ nhiều hơn về làng Mơ Hra”-anh Hiếu góp ý.

“Sự kiện” làng Mơ Hra đón đoàn du khách TP. Hồ Chí Minh đã đánh dấu bước chuyển động tích cực của du lịch Gia Lai sau một thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chị Ngọc cho biết tin vui là sau khi trải nghiệm các dịch vụ tại làng, một nữ du khách trong đoàn đã đặt ngay tour trải nghiệm cho 15 khách đến từ Hà Nội trong tháng 7 tới. Như vậy, có thể thấy du lịch trải nghiệm tại Mơ Hra đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng khách phương xa. Thành công này có ý nghĩa rất quan trọng để tỉnh ta tiếp tục đầu tư, nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng ở các ngôi làng khác trong chiến lược phát triển loại hình du lịch xóa đói giảm nghèo này.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.