Đón khách du lịch quốc tế: Nên nhất quán từ Trung ương tới địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn hiệu quả diễn ra hôm 15.3, các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đều mong muốn Việt Nam cần sớm có hướng dẫn cụ thể với khách quốc tế khi mở cửa du lịch hoàn toàn; quảng bá các sản phẩm du lịch mạnh mẽ.

Từ cuối tháng 11.2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Ảnh: Hoàng Dung
Từ cuối tháng 11.2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Ảnh: Hoàng Dung
Câu chuyện du lịch từ quốc tế
Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, Hiệp hội Du lịch Mỹ đánh giá du lịch nước này có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, sau hai năm hạn chế đi lại thì nhu cầu du lịch của người Mỹ tăng cao cả trong và ngoài nước. 
Theo số liệu từ công cụ Destination Insights của Google, 80% người Mỹ muốn đi du lịch trong 6 tháng tới. Người Mỹ hướng tới một số xu hướng du lịch như: Các điểm đến an toàn, thân thiện, an ninh, đảm bảo không có các thay đổi bất ngờ về quy định, du lịch bền vững, du lịch xanh ưu tiên cho các dịch vụ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, điểm du lịch có hạ tầng y tế tốt, đảm bảo chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm.
Với thị trường Nhật Bản, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho biết, hiện nay, chính phủ Nhật Bản chưa khuyến khích du lịch tụ tập đông người. Vì vậy những tour du lịch lớn do các hãng lữ hành tổ chức là cũng chưa được triển khai mạnh. Điều này khác với tập tính của Mỹ, người Mỹ thích du lịch cá nhân còn người Nhật Bản thích du lịch tập thể và đi qua các công ty lữ hành. Chính phủ Nhật Bản cũng đang khuyến khích du lịch nội địa cho nên người dân sẽ được hưởng nhiều khuyến mại.
Trước đây, người Nhật du lịch ra nước ngoài vì giá rẻ hơn trong nước. Hiện trong nước đang hỗ trợ nhiều cho du lịch nên du lịch trong nước giá rẻ hơn nước ngoài. Từ đó, người Nhật sẽ ưu tiên trong nước trước. Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, đây là một điều bất lợi, vì vậy cần phải làm việc với các công ty lữ hành để có những sản phẩm du lịch hấp dẫn, cạnh tranh.
Từ Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu thông tin, toàn bộ các khoản tiền thưởng cuối năm dành cho nhân viên thường được các công ty chi cho việc du lịch. Có nhiều công ty dành số tiền từ 10-50 triệu cho nhân viên để tổ chức các chuyến đi. Hiện nay, người Ấn Độ thường đi du lịch theo đoàn với số lượng đông, khác với văn hóa của Mỹ, người Ấn thường đi theo gia đình cả 3 thế hệ. Trong gian vừa qua, do dịch bệnh, họ đã bị hạn chế nhiều và bây giờ họ đã tự do đi lại. Vì thế, du lịch Ấn Độ đã mở cửa tất cả và không bị hạn chế. 
Đại sứ Việt Nam tại Úc Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện nay khách du lịch đến Úc không cần phải cách ly, không cần đeo khẩu trang và thủ tục đơn giản. Chỉ cần có 2 loại giấy tờ là giấy tiêm vắc xin và kết quả âm tính với COVID-19 để có thể nhập cảnh vào nước này. Từ năm 2021, du lịch Úc tập trung đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. 
Cần sớm có chủ trương thống nhất
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đối với Việt Nam, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mở cửa mạnh mẽ, triển khai từ ngày 15.3.2022 quan trọng, đúng thời điểm, trên cơ sở nền tảng vững chắc và những kết quả quan trọng đạt được trong quá trình ứng phó với dịch bệnh, với tỉ lệ tiêm chủng rất cao và các biện pháp kịp thời trong việc tiếp cận thuốc, vaccine, phương pháp điều trị và đặc biệt là với sự đồng lòng và ý thức của người dân.
Từ nhiều quốc gia, các Đại sứ đã có những kiến nghị để mở cửa du lịch quốc tế thống nhất và phù hợp nhất với bối cảnh dịch bệnh. Đại sứ Vũ Hồng Nam đề nghị nên có những liên kết, kết nối trực tiếp với doanh nghiệp lữ hành của hai nước Việt Nam - Nhật Bản để chuẩn bị cho những tour du lịch lớn. Ngoài ra, Đại sứ Vũ Hồng Nam đề nghị nên tập trung khuyến khích mảng doanh nghiệp Nhật Bản đi vào Việt Nam. Khi mở cửa du lịch, khách du lịch cũng như doanh nghiệp Nhật Bản sẽ kết nối làm ăn, phục hồi kinh doanh tại Việt Nam. Đại sứ Vũ Hồng Nam mong Bộ ngoại giao cùng Tổng cục Du lịch nên có chính sách cụ thể hơn để doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Ngoài ra cần có những hội nghị tọa đàm để trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản để biết họ muốn gì và đáp ứng được cụ thể với từng thị trường.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng mong muốn các cơ quan doanh nghiệp tiếp tục xây dựng các cơ sở dữ liệu ấn phẩm quảng bá du lịch để quảng bá trên mạng xã hội, kênh truyền thông phổ biến các sản phẩm du lịch. Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng mong muốn có những ấn phẩm văn hoá Việt Nam bằng tiếng Pháp để cho người dân và khách du lịch Pháp tiếp nhận dễ dàng.
Đại sứ Nguyễn Tất Thành kiến nghị cần áp dụng chính sách mở cửa cho người nước ngoài thống nhất trong toàn quốc. Hiện nay có 9 chuyến bay trực tiếp từ Việt Nam sang Úc, 80% ghế có khách. Đại sứ Nguyễn Tất Thành mong muốn sớm cấp thị thực cho công dân. Theo Đại sứ Nguyễn Tất Thành, Úc là địa điểm du lịch quan trọng thứ 5 của Việt Nam, mỗi năm có khoảng 500 đến 600 nghìn khách Úc vào Việt Nam, do đó Đại sứ Nguyễn Tất Thành mong Tổng cục Du lịch có chính sách quảng bá tiếp cận Úc mạnh mẽ hơn nữa. 
Còn Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, chủ trương đón khách du lịch quốc tế nên nhất quán từ trung ương tới địa phương và sớm có thông báo với các cơ quan đại diện, các hãng hàng không, các công ty lữ hành để biết thông tin tránh gây khó khăn cho khách du lịch. Bên cạnh đó, nên có tiếng anh trên các website để du khách có thể tự tìm hiểu.
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm, chúng ta cần bám sát các xu hướng du lịch mới sau đại dịch như du lịch xanh, bền vững, xử lý công nghệ thông tin, du lịch an toàn, các cơ sở dịch vụ chú ý nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo an toàn phòng tránh dịch, các chương trình khuyến mại ưu đãi thu hút du khách quốc tế và các công ty lữ hành nước ngoài. Ngoài ra, đặc biệt chú ý xây dựng các cơ sở y tế chất lượng cao phục vụ du khách quốc tế. Và quan trọng là cần có các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh so với các sản phẩm du lịch của các nước khác trong khu vực.
“Các cơ quan chức năng cần nâng cao sự phối hợp trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách nhất là trong các vùng du lịch trọng điểm. Chúng tôi hoan nghênh kế hoạch quảng bá du lịch của Bộ VHTTDL vừa rồi. Đồng thời, chúng ta nên đẩy mạnh việc số hóa quảng bá du lịch qua Internet để thu hút các nhà đầu tư và du khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó chú trọng qua các phương tiện truyền thông điện tử” - Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Theo Mai Hương (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.