Doanh nghiệp ứng xử thế nào với cách mạng công nghệp 4.0?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc chưa bắt nhịp với xu thế mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là những thách thức cho phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
 
Doanh nghiệp, doanh nhân ứng xử thế nào với cách mạng công nghệp 4.0?
Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Nhằm mang đến những giải pháp giúp doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất cơ hội, ứng dụng công nghệ 4.0 thành công vào sản xuất kinh doanh, ngày 26/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0. 
Tại hội thảo, các diễn giả đã bàn luận, trao đổi về xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp; chính sách và giải pháp hỗ trợ về khoa học công nghệ để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời cung cấp những tri thức thiết yếu của giám đốc điều hành trong tuyển dụng nhân sự hiện đại. 
PGS. TS Lê Xuân Đình – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam; trong đó, các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Trong bối cảnh này, vai trò của doanh nhân một lần nữa lại được khẳng định. 
 
PGS.TS Lê Xuân Đình. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Ông Đình cho biết, theo kết quả khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay không thể thoát ra được những thế hệ máy móc có công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ. Ngoài ra, có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. 
Theo ông Đình, có vẻ như doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt nhịp được với xu thế mới, do đó thách thức có thể nhiều hơn và có nhiều vấn đề đáng lo ngại. 
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng tới tất cả các ngành, lĩnh vực trong cuộc sống. 
“Chúng ta đang bắt đầu một kỷ nguyên ở đó có sự thay đổi về cách sống và làm việc, cách tương tác giữa người với người. Những doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 một cách thực tế. Không nên tư duy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một phát minh về khoa học mà hãy tư duy đây là sự thay đổi căn bản cách làm việc, cách tương tác với người khác”, ông Hiếu nêu quan điểm. 
 
Ông Phan Đức Hiếu. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Theo vị diễn giả này, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với doanh nghiệp cũng nhiều nhưng cơ hội kinh doanh tạo ra từ cuộc cách mạng này cũng rất lớn. Rất nhiều công nghệ mới có thể giúp doanh nghiệp thay đổi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải có tư duy thay đổi, thay đổi để “sống”. Khi doanh nghiệp chuyển đổi số mà tư duy không có sự thay đổi thì hệ thống số đó cũng sẽ không có giá trị. 
Ông Hiếu đề nghị doanh nghiệp nên tự chủ động tìm hiểu nghiên cứu về cuộc cách mạng này và những tác động của cuộc cách mạng đến doanh nghiệp. Bởi hiện nay rất ít các doanh nghiệp vừa và nhỏ biết và chủ động tìm hiểu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 
“Doanh nghiệp phải nhận thức về cuộc cách mạng này và có những hành động cụ thể. Doanh nghiệp hãy tư duy hàng ngày làm thế nào để kinh doanh hiệu quả hơn. Như vậy, để kinh doanh hiệu quả thì phải áp dụng những khoa học, công nghệ hiện có, công nghệ tiên tiến và cân đối giữa đầu tư và lợi ích”, vị diễn giả nhìn nhận.
Văn Giáp (BNEWS/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.