Doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ long đong mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang chật vật tìm kiếm tour và xoay xở nguồn tiền để duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hoạt động cầm chừng
Hiện nay, một số công ty lữ hành, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang chung cảnh chợ chiều vì dịch Covid-19. Homestay Tiên Sơn Pleiku của Công ty TNHH Xây dựng và Bất động sản Vinacolour (phường Hội Thương, TP. Pleiku) là một ví dụ. Trong cuộc cà phê sáng, anh Cao Huyền Tuấn Anh-chủ homestay Tiên Sơn Pleiku không ngại ngùng đưa cho chúng tôi xem tin nhắn ngân hàng báo số tiền lãi phải trả rồi cho biết: “Khi chưa có dịch Covid-19, mỗi tháng, cả quán cà phê lẫn homestay ở ngoài đó tiếp bình quân 1.200 lượt khách, riêng homestay luôn “cháy” phòng, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Vậy mà khách cứ vơi theo mỗi đợt dịch. Tháng rồi, doanh thu chỉ còn 400 triệu đồng. Dự kiến, các tháng tới, doanh thu sẽ giảm nữa. Dù doanh thu giảm nhưng cả một đội ngũ nhân viên cốt cán không thể sa thải, lương vẫn trả đủ, trong khi tôi cũng phải trả lãi ngân hàng đã vay đầu tư theo định kỳ”.
Công ty Du lịch Niềm Vui Việt tạm ngưng hoạt động dẫn tour tham quan thắng cảnh ở Gia Lai. Ảnh: Hoành Sơn
Công ty Du lịch Niềm Vui Việt tạm ngưng hoạt động dẫn tour tham quan thắng cảnh ở Gia Lai. Ảnh: Hoành Sơn
Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trước đợt dịch thứ 4, toàn tỉnh có 9 công ty du lịch lữ hành, trong đó có 2 công ty đăng ký tour nước ngoài và 7 công ty dẫn tour trong nước. Hiện nay, 2 công ty đăng ký dẫn khách tham quan nước ngoài đã nộp đơn xin chuyển sang hình thức dẫn tour trong nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế giảm 85% và khách trong nước đến Gia Lai giảm 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty Du lịch Niềm Vui Việt (Vietjoy Tourist) không ngần ngại nhắc lại nhiều lần cụm từ “Công ty bên bờ vực phá sản” khi tiếp chuyện chúng tôi. Ông Phương ngậm ngùi: “Dịch liên tiếp nhau, chúng tôi đã tạm ngưng hoạt động. Không có doanh thu, chúng tôi phải lấy quỹ dự phòng để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Nếu dịch kéo dài thêm thì sẽ phá sản”.
Cần một bệ đỡ
Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-thông tin: Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. 6 tháng đầu năm nay, 60-70% lao động trong ngành du lịch, dịch vụ phải tạm nghỉ việc. Một số công ty du lịch phải ngưng hoạt động hoặc nợ lương của nhân viên. Nếu dịch còn kéo dài thì các công ty du lịch, dịch vụ phải giảm công suất 70-80% hoặc phải giảm giá để cạnh tranh, bù đắp doanh thu. “Chúng tôi mong Chính phủ và UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch mất việc. Thực tế, trong các đợt hỗ trợ trước, ít trường hợp lao động du lịch đủ điều kiện được hưởng các khoản tiền hỗ trợ”-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nói. 
1. Khu du lịch sinh thái-tâm linh Biển Hồ vắng khách trong mùa dịch Covid-19
Khu du lịch sinh thái-tâm linh Biển Hồ (TP. Pleiku) vắng khách trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Hoành Sơn
Thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái thiết thực để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, các công ty lữ hành, dịch vụ đang rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn để vượt qua cơn bĩ cực. Anh Cao Huyền Tuấn Anh cho hay: “Đa phần các công ty đều phải vay vốn ngân hàng để đầu tư thêm cơ sở vật chất hạ tầng rồi trả lãi bằng doanh thu. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hầu hết công ty đều giảm hoặc không có doanh thu do lượng khách du lịch ít. Do vậy, chúng tôi mong các ngân hàng chung tay với doanh nghiệp lúc khó khăn này bằng việc giảm lãi suất hoặc khoanh nợ, giãn nợ. Chúng tôi vẫn tin là không sớm thì muộn, dịch bệnh sẽ được khống chế và khi đó công ty hoạt động ổn định thì sẽ có tiền trả cho các ngân hàng”.
Chia sẻ với các công ty du lịch, dịch vụ, cơ sở lưu trú trên địa bàn, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổng hợp các ý kiến, đề xuất tháo gỡ khó khăn trình UBND tỉnh xem xét. Ông Lâm Ngọc Đường-Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: “Các công ty du lịch, dịch vụ chủ yếu kiến nghị 4 vấn đề chính là: giảm lãi, giãn nợ ngân hàng; miễn, giảm và gia hạn các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hỗ trợ đời sống vật chất, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, nhân viên. Sau khi thu thập ý kiến từ các công ty, Sở đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Trải nghiệm mới lạ với du lịch xanh

Trải nghiệm mới lạ với du lịch xanh

(GLO)- Xu hướng trải nghiệm mới lạ được Euronews (mạng lưới truyền hình tin tức toàn châu Âu) xếp đầu trong 7 xu hướng du lịch năm 2025. Du khách tìm kiếm những điểm đến hoang sơ, ít người biết đến để khám phá và kết nối sâu sắc với thiên nhiên.

Nam Trung bộ: Du lịch biển thiếu sức hút

Nam Trung bộ: Du lịch biển thiếu sức hút

Các tỉnh Nam Trung bộ có tiềm năng to lớn về du lịch biển nhờ có nhiều bãi tắm đẹp, cùng với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng. Tuy vậy, hoạt động du lịch nhiều nơi còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, dẫn đến quá tải, gây hệ lụy về môi trường.

Trải nghiệm du lịch cà phê

Trải nghiệm du lịch cà phê

Trải nghiệm cà phê là loại hình du lịch hiện đang nở rộ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu đặc sản cà phê Đắk Lắk và bảo tồn, khai thác bền vững các giá trị văn hóa địa phương.

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.