Doanh nghiệp FDI "lỗ giả, lãi thực": Ngân sách thất thu hàng chục nghìn tỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
GS. TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: PV
Nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dù báo lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hành vi “chuyển giá” của các doanh nghiệp này và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý. 
Lỗ giả, lãi thực gây thất thu ngân sách
Phát biểu tại Hội thảo nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và Vai trò của Kiểm toán Nhà nước vào sáng 9.6, GS. TS. Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”. 
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2011. Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. 
GS. TS. Đào Xuân Tiên chỉ ra ví dụ điển hình như trường hợp của Cocacola. Cụ thể, theo Cục thuế TP HCM, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, Công ty Coca - Cola liên tục báo lỗ. Đến tháng 12.2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó, sản lượng thực tế của công ty tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm và công ty mở rộng nhà máy sản xuất. 
Hay như Metro Việt Nam, sau khoảng 12 năm hoạt động, đơn vị này đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại Metro Việt Nam lên hơn 301 triệu USD. Tuy nhiên, Metro Việt Nam liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỉ đồng và chỉ duy nhất năm 2010 là có lãi 173 tỉ đồng. Mặc dù lỗ, Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc. 
Hiện tượng “lỗ giả, lãi thực” của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng trong nhiều năm qua. 
Công khai doanh nghiệp có hành vi chuyển giá
Ngoài dấu hiệu lỗ lũy kế qua nhiều năm trong khi qui mô hoạt động và doanh số của doanh nghiệp FDI vẫn ổn định, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng chỉ ra loạt dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Cụ thể: Doanh  nghiệp FDI có tỉ suất lợi nhuận thấp hơn mức trung bình của ngành. Doanh nghiệp FDI có lãi trong thời gian được miễm thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế. Chi cho các dịch vụ nội bộ/trong cùng hệ thống chiếm tỉ trọng lớn và kéo dài qua nhiều năm. Chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu... từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn…
Trước tình trạng này, PGS Nguyễn Thị Phương Hoa kiến nghị tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán Báo cáo tài chính của doanh nghiệp FDI. Kiểm toán hoạt động có dấu hiệu chuyển giá cần được thực hiện theo cả hai cách là kiểm toán riêng trong một cuộc kiểm toán hoặc kiểm toán kết hợp trong khi kiểm toán BCTC. Kiểm toán hoạt động chuyển giá cũng cần được thực hiện tổng hợp trên tất cả các phương diện: khả năng chuyển giá ở giao dịch về hàng hoá cũng như giao dịch về dịch vụ, chuyển giá cả yếu tố đầu vào cũng như kết quả đầu ra của đơn vị…
Trong đó, PGS Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh cần công khai kết quả kiểm toán hoạt động chuyển giá đối với những hành vi chuyển giá nghiêm trọng. Việc công khai kết quả kiểm toán các hành vi chuyển giá nghiêm trọng sẽ tạo áp lực xã hội như tẩy chay sản phẩm, dịch vụ các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá. 
“Theo kinh nghiệm của Anh, với nghi án hãng cà phê nổi tiếng của Mỹ Starbuck kinh doanh ở Anh và thực hiện chuyển giá, khai báo lỗ trong suốt 13 năm và trốn thuế, người tiêu dùng Anh đã tẩy chay hàng loạt cửa hàng cà phê Starbuck ở Anh; dẫn đến kết cục Giám đốc điều hành của Starbuck tại Anh đã phải tuyên bố xem xét lại việc nộp thuế 5-6 triệu bảng Anh năm 2012”, PGS Nguyễn Thị Phương Hoa nói.  
PHẠM DUNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.