(GLO)- Trong phiên làm việc sáng 21-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiếp tục tiến hành thảo luận tại tổ nhằm đóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo; công tác phòng-chống dịch Covid-19... Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã nêu những tồn tại, vướng mắc cũng như đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ.
Theo đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu khách mời là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng-chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Quang cảnh buổi thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai trong phiên họp sáng 21-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Tấn |
Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn cho rằng: Trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tôi thống nhất theo hướng, cho phép xác định tỷ lệ điều tiết và bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương áp dụng riêng cho năm 2022 và sẽ xác định lại cho giai đoạn 2023-2025 sau khi tình hình đi vào ổn định. Không dùng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung ngân sách địa phương. Tập trung điều hành chính sách tài khoản chủ động, linh hoạt, huy động hợp lý nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và phòng-chống dịch Covid-19. Đồng thời, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, đặc biệt là chi thường xuyên. Ưu tiên bố trí dự toán để điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995, điều chỉnh chuẩn nghèo và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội đã ban hành. Nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tăng cường tính chủ động của ngân sách địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn tham gia góp ý tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Quang Tấn |
“Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ sẽ cập nhật, bổ sung, xây dựng kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm (2023-2025) cho sát với tình hình thực tế. Tôi cũng đồng ý lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để chúng ta tập trung các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch. Tôi cũng thống nhất với đề nghị cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho công tác phòng-chống dịch Covid-19 năm 2021-2022"-Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề xuất.
Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-đề nghị: “Bên cạnh những việc làm được, tôi đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn và đầy đủ hơn một số vấn đề như: một số chính sách ban hành chưa tương xứng với tính chất phức tạp, dài hạn và quy mô tác động lớn của đại dịch Covid-19. Việc tiếp cận chính sách còn khó khăn, tỷ lệ giải ngân một số gói hỗ trợ đạt thấp, còn hạn chế và chưa kịp thời đối với một số đối tượng. Do vậy, cần có đánh giá bảo đảm hơn, nhất là nguồn ngân sách của Trung ương, các khoảng đóng góp của xã hội cho công tác phòng-chống dịch, để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách trong giai đoạn tới. Công tác phòng-chống dịch vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, sợ chịu trách nhiệm ở một số nơi. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển thì công tác phối hợp giữa các địa phương còn lúng túng, cứng nhắc và thiếu tính đồng bộ, chưa được điều chỉnh kịp thời”.
Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia góp ý về công tác phòng-chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Quang Tấn |
Trong phiên họp chiều 21-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
QUANG TẤN