Chính quyền Nhật Bản mới đây ban hành hướng dẫn về cách công chúng nên ứng phó nếu núi lửa Phú Sĩ, gần Tokyo, phun trào. Theo hướng dẫn được công bố vào tuần trước, các chuyên gia khuyến cáo nên trú ẩn tại nhà và duy trì nguồn cung cấp nhu yếu phẩm trong hai tuần.

Phú Sĩ là ngọn núi lửa đang hoạt động. Lần phun trào gần đây nhất là hơn 310 năm trước, được gọi là vụ phun trào Hoei, theo CNN.
Đó là vào tháng 12 năm 1707, sau hai năm động đất ở chân núi, đã tạo ra một miệng hố trên sườn phía tây nam của ngọn núi mà ngày nay vẫn còn nhìn thấy.
Vụ phun trào kéo dài 16 ngày đã đẩy đá bọt, tro vào tầng bình lưu, nơi gió ở độ cao lớn mang theo các mảnh vỡ về phía đông. Vụ nổ đã giải phóng khoảng 800 triệu mét khối tro bao phủ trung tâm Edo, tức Tokyo ngày nay, với lớp tro được mô tả là dày tới vài cm. Thảm họa gây thiệt hại cho mùa màng, dẫn tới nạn đói trên diện rộng trong năm sau đó và phá hủy các ngôi nhà gỗ truyền thống. Không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về số người chết do vụ phun trào hoặc hậu quả của nó.
"Chúng tôi đã thảo luận về các biện pháp đối phó trước khả năng một vụ phun trào bùng nổ trên diện rộng, tương tự như vụ phun trào Hoei, có thể gây ra tình trạng tro bụi núi lửa rộng lớn, bao gồm cả khu vực thủ đô, dẫn đến những tác động nghiêm trọng", Toshitsugu Fujii, giáo sư tại Đại học Tokyo, phân tích.
Chính phủ cho biết một vụ phun trào quy mô lớn sẽ tạo ra khoảng 1,7 tỉ mét khối tro núi lửa, trong đó khoảng 490 triệu mét khối sẽ tích tụ trên đường sá, tòa nhà và các khu vực đất khác, cần phải xử lý.
Bầu trời sẽ bị bao phủ bởi tro núi lửa màu đen và các khu vực đô thị sẽ chìm trong bóng tối, ngay cả vào ban ngày.
Nó thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với máy bay đang bay vì sẽ dừng động cơ nếu bị hút vào, chỉ ra tình trạng hỗn loạn mà các hãng hàng không toàn cầu phải đối mặt trong nhiều tháng sau khi một ngọn núi lửa ở Iceland phun trào vào năm 2010.

"Để ứng phó với tình trạng tro bụi tràn lan, hướng dẫn cơ bản là người dân tiếp tục cuộc sống thường ngày tại nhà hoặc nơi trú ẩn khác. Do đó, điều quan trọng là phải thường xuyên duy trì đủ lượng dự trữ", giáo sư Fujii nói.
Tuy nhiên, nếu tro núi lửa tích tụ hơn 30 cm, những ngôi nhà gỗ có khả năng chịu tải thấp có thể sụp đổ dưới sức nặng, khiến việc sơ tán trở nên cần thiết.
Ngay cả một lượng nhỏ tro núi lửa tích tụ cũng có thể khiến tàu hỏa ngừng chạy và nếu trời mưa, tro tích tụ ở độ sâu hơn 3 cm có thể khiến xe cộ không thể di chuyển trên đường.
Hoạt động hậu cần sẽ bị gián đoạn, khiến việc mua sắm hàng hóa thiết yếu trở nên khó khăn và đường dây điện có thể bị cắt đứt do sức nặng của tro bụi, dẫn đến mất điện...
Ước tính thiệt hại kinh tế do núi Phú Sĩ phun trào lên tới 2,5 nghìn tỉ yên (16,6 tỉ đô la).
Theo Vi Nguyễn (TNO)