Điểm cuối trên dải đất hình chữ S

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cà Mau trong tiếng Khmer có nghĩa là “nước đen”, với màu đặc trưng của lá tràm, lá đước của thảm rừng U Minh bạt ngàn rụng xuống.

Nếu trước đây, từ thành phố Cà Mau muốn về Đất Mũi phải đi hơn 2 giờ bằng ca nô thì nay khoảng cách đã được rút ngắn lại nhờ con đường mở mới từ Cà Mau đến huyện Năm Căn hơn 50 km. Là đoạn cuối cùng của quốc lộ 1 kéo dài từ Lạng Sơn, con đường đi qua thị trấn Năm Căn mang đến cảm giác như đang chinh phục một “đỉnh cao mới”.

 

Mũi đất Cà Mau.
Mũi đất Cà Mau.

Không giống như con đường chinh phục cực Tây hay cực Bắc, hành trình khám phá cực Nam có phần dễ chịu hơn với những con đường trải nhựa phẳng lỳ, thẳng tắp. Vẫn là màu xanh ngút ngàn hai bên đường nhưng ở đây không gian miên man, trải dài mướt mát. Thay vì trùng điệp núi rừng, vùng đất này bạt ngàn đầm lầy, kênh, rạch. Đất và nước xen nhau, tha hồ gió thổi.

Từ thị trấn Năm Căn, du khách gửi xe và lên ca nô vượt sông Cửa Lớn để ra đất mũi Cà Mau. Những con sóng nơi cửa sông gần biển cả dữ dằn chẳng khác nào sóng lớn ngoài khơi. Người ta sẽ có cảm giác đang tham gia một cuộc rượt đuổi ngoạn mục giữa chiếc ca nô với vô vàn đợt sóng từ biển xô vào và những dòng nước từ lạch chảy ra. Khi chưa quen, người ngồi ca nô sẽ có đôi chút e sợ nhưng chỉ qua vài phút sẽ thích thú vô cùng.

 

Biểu tượng của đất Mũi - hình tượng con tàu no gió vươn mình ra biển.
Biểu tượng của đất Mũi - hình tượng con tàu no gió vươn mình ra biển.

Ở đây chằng chịt những luồng lạch và rạch nước. Bởi thế ca nô không đi thẳng như hành trình tham quan trên biển mà chốc chốc lại bẻ lái rẽ vào lạch nước mới. Không biển báo, không ký hiệu chỉ dẫn nhưng những chiếc ca nô cứ nối tiếp nhau như đã có “đường mòn” từ trước. Đâu đâu cũng mênh mông rừng xanh, nước bạc.

Sau khoảng một giờ lênh đênh, ca nô cập bến đưa du khách đặt chân lên mũi Cà Mau, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Trong khi miền Bắc đang chìm trong cái lạnh có ro thì ở đây, vùng đất liền được cho là gần xích đạo nhất của Tổ quốc lại ngập tràn ánh nắng, đủ để mang đến cho du khách phương xa trải nghiệm khác biệt.

Đó có thể khoảnh khắc bình minh tuyệt đẹp tại đất mũi Cà Mau. Dường như không đâu trên dải đất hình chữ S mặt trời nhô lên gần đến thế. Mới sớm mai mà ánh nắng đã lung linh. Đó cũng có thể khoảnh khắc hoàng hôn rực rỡ phía chân trời. Mặt trời ửng đỏ nhuộm màu trời, màu nước. Dù vào thời điểm nào thì khi đã đặt chân đến đây, ai cũng muốn có cho riêng mình tấm hình lưu niệm với tượng đài hình con tàu đang vươn mình ra biển - biểu tượng của đất mũi Cà Mau.

 

Tọa độ quốc gia GPS 0001.
Tọa độ quốc gia GPS 0001.

Đây cũng là nơi đặt mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0). Được xây dựng vào tháng 1 năm 1995, đây là một cột mốc lớn, được xây dựng rất đẹp, có hình dạng ngôi sao sáu cánh ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột mốc.

Để có tầm nhìn rộng hơn, bạn có thể trèo lên đài quan sát cao 21 mét. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, đưa mặt đón nhận cơn gió ùa về qua mái tóc, bạn sẽ có cảm giác như đang đứng trên mũi tàu khổng lồ của Tổ quốc rẽ sóng ra khơi. Trước mặt kia là bao la biển cả, sau lưng là bạt ngàn rừng đước.

Đây là nơi duy nhất trên cả nước có thể nhìn thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây. Đặc biệt, cả Hòn Chuối và Hòn Khoai cách đất liền hàng chục km cũng nằm trong tầm mắt.

Trải qua biết bao năm tháng, phù sa lấn dần ra biển rộng, vùng đất trước mặt khi xưa là biển nước mênh mông nay đã gần như nằm trong đất liền, được bao bọc bởi màu xanh của rừng đước mênh mông. Tuy vậy, với nhiều người mũi đất Cà Mau, cực Nam Tổ quốc vẫn luôn là nơi tượng đài được xây dựng và cột mốc được định hình.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Ẩm thực truyền thống của người Bahnar đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Văn hóa "chắp cánh" cho du lịch Gia Lai

(GLO)- Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch là dịp hội ngộ của những nghệ nhân giỏi tay nghề toàn tỉnh Gia Lai, đồng thời là hành trình khơi dậy kho tàng văn hóa, kết tinh thành sản phẩm quà tặng mang dấu ấn riêng của vùng đất cao nguyên.  

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Không chỉ bạn trẻ ở TP.HCM, những người trẻ ở tỉnh, thành khác cũng về thành phố để hòa mình vào các hoạt động kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Tranh thủ ngày cận kề 30.4, không muốn bỏ lỡ cơ hội nên từ sáng sớm hôm nay dòng người nao nức check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.