Dịch COVID-19 ngày 20-2: Số người chết và người nhiễm đều giảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Số ca nhiễm mới tại tỉnh Hồ Bắc trong ngày 19-2 giảm xuống còn 349 trường hợp so với 1.693 ca của một ngày trước đó. Số người tử vong là 108, giảm từ 132 người của ngày 18-2.

 

Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đồ họa: NGỌC THÀNH



Số liệu được Ủy ban Y tế Hồ Bắc công bố sáng 20-2 cho thấy số ca nhiễm mới tại tỉnh này trong ngày 19-2 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 đến nay.

Theo đó, tính đến hết ngày 19-2 cả vùng dịch Hồ Bắc chỉ ghi nhận 349 trường hợp nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2), giảm so với con số 1.693 ca của ngày 18-2. Số ca tử vong cũng giảm xuống còn 108 so với 132 của ngày 18-2, trong đó thành phố Vũ Hán chiếm 88 trường hợp.

Cũng theo Ủy ban Y tế Hồ Bắc, có thêm 1.209 bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona ( COVID-19 ) được cho xuất viện trong ngày 19-2, nâng tổng số người khỏi bệnh lên con số 10.337.

Hiện vẫn còn 43.745 trường hợp vẫn đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 9.128 trường hợp bị bệnh nặng và 2.050 trường hợp đặc biệt nặng.

Theo Hãng tin Reuters, con số 349 người nhiễm là kết quả của việc Ủy ban Y tế Hồ Bắc loại trừ 279 trường hợp ở 10 thành phố của tỉnh này. Cơ quan trên không đưa ra lý do vì sao lại có điều này.



 

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tập thể dục cùng các bệnh nhân tại một bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán - Ảnh: REUTERS
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tập thể dục cùng các bệnh nhân tại một bệnh viện tạm thời ở Vũ Hán - Ảnh: REUTERS



Ca dương tính SARS-CoV-2 duy nhất châu Phi trở lại âm tính

Một người nước ngoài được thông báo là ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của Ai Cập và châu Phi ngày 19-2 đã được xác nhận kết quả mới là hoàn toàn âm tính với loại virus chết người này. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại châu Phi là châu lục duy nhất không có bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Trong thông báo được phát đi tối 19-2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Ai Cập cho biết đã tiến hành tới 6 lần xét nghiệm PCR trong vòng 3 ngày và kết quả đều âm tính. "Người bị nghi nhiễm không có biểu hiện triệu chứng của việc nhiễm bệnh trong suốt thời gian cách ly", thông báo cho biết thêm.

G20: COVID-19 là rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu

Hãng tin Reuters ngày 20-2 đã có được dự thảo tuyên bố chung các quan chức tài chính của nhóm G20. Trong đó, G20 dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ khiêm tốn trong năm 2020 và xem COVID-19 là một rủi ro bất lợi đối với điều này.

“Sau khi có dấu hiệu ổn định vào cuối năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhẹ vào năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn chậm và rủi ro giảm đối với triển vọng này vẫn còn, bao gồm những tác động phát sinh từ dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị và sự không chắc chắn của chính sách”.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 sẽ gặp nhau trong hai ngày cuối tuần này tại Saudi Arabia, nơi họ sẽ thông qua dự thảo tuyên bố chung với những nội dung trên, Reuters khẳng định.

Nghiên cứu sơ bộ: COVID-19 lây nhanh như cảm cúm thông thường

Một nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 19-2 cho thấy COVID-19 lây lan nhanh hơn SARS và lây nhiễm ở tốc độ của bệnh cảm cúm thông thường. Nghiên cứu này vẫn cần nhận được sự xác nhận từ các chuyên gia nhưng theo tiến sĩ Gregory Poland, một nhà nghiên cứu về virus ở Mỹ, sẽ rất đáng lo nếu điều này là đúng.

Các nhà khoa học ở Quảng Đông đã theo dõi tình trạng của 18 bệnh nhân. Trong đó họ phát hiện các virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) hiện diện trong mũi và cổ họng nhiều như các bệnh cảm cúm thông thường. Số lượng virus đặc biệt tăng mạnh sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh. SARS-CoV-2 hiện diện ở cả đường hô hấp trên và dưới của người bệnh trong khi virus SARS chỉ xuất hiện và gây nhiễm trùng sâu đường hô hấp dưới.


 

Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đồ họa: NGỌC THÀNH



Theo BẢO DUY (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.