Đối với những người từng trải nghiệm việc kéo chân và ngay cả với bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình, trường hợp Lê Xuân Giao (TP.HCM) là một thách thức.
|
Lê Xuân Giao hiện đã có thể tập thể hình trở lại với mức đẩy tạ gần 200 kg - Ảnh: LÊ VÂN |
"Đơn giản vì tôi muốn vượt qua chính mình"
Lê Xuân Giao, 40 tuổi, giảng viên khoa tiếng Đức tại một trường ĐH ở TP.HCM. Cuối tháng 11-2019, anh vừa trải qua ca kéo chân thứ 2, thêm 6cm. Trước đó, năm 2010, anh đã kéo chân thêm 7cm. Như vậy, hiện Giao cao thêm 13cm, với chiều cao 1,76m, sau hai lần phẫu thuật kéo dài chân.
“Tôi chia sẻ chuyện của mình không phải vì muốn nổi tiếng hay cổ xúy kéo dài chân. Trải nghiệm bản thân, tôi mong những ai tìm hiểu việc này có thêm kiến thức để thực sự hiểu việc mình muốn làm. Tuy nhiên, kéo chân là một việc không dành cho tất cả mọi người. Lê Xuân Giao |
Theo tìm hiểu, tại hai bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình lớn nhất Việt Nam, Giao là người kéo chân chỉnh hình dài nhất mà các bác sĩ chuyên khoa từng thực hiện. Ở Hà Nội, có một ca đang kéo chân dài nhất mà bác sĩ Lê Văn Đoàn, viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (BV Trung ương quân đội 108), thực hiện cũng chỉ kéo dài 10cm.
Một câu hỏi luôn xoáy sâu với tôi khi thực hiện loạt bài này là: Động lực nào khiến một người lành lặn lại muốn cưa xương để kéo dài chân? Câu trả lời khác nhau qua mỗi nhân vật mà tôi tiếp xúc. Nhưng với Giao, tôi nhận được câu trả lời ngắn gọn: "Đơn giản vì tôi muốn vượt qua chính mình".
Trước đó, Giao là học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Anh luôn trong top 3 học giỏi nhất lớp. "Nhưng chiều cao lại luôn trong nhóm thấp nhất" - Giao hóm hỉnh nhớ lại.
Bước vào đại học, Giao học cùng lúc Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và ngành ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Từ 2004 - 2008, Giao nhận học bổng du học ngành tiếng Đức. "Đi du học, tôi luôn cảm thấy tự ti vì trong đám du học sinh châu Âu, thậm chí châu Á, mình luôn thấp bé hơn họ. Vì vậy, tôi bắt đầu nghĩ làm sao để mình cao hơn?" - Giao kể.
"Lúc này, tôi đọc trên mạng thấy ở Hà Nội có một bạn nữ đã kéo dài chân tới 9cm và còn năn nỉ xin bác sĩ kéo thành 10cm. Nữ còn chịu đau được thì tại sao mình không làm được?" - Giao nhớ lại.
Năm 2010, Giao bắt đầu tìm hiểu bệnh viện có thể thực hiện chỉnh hình kéo chân, trước khi trở lại Đức lấy bằng tiến sĩ. Lần đầu đi kéo chân, Giao giấu gia đình. Gom góp đủ tài chính, anh lẳng lặng vào bệnh viện phẫu thuật. "Khi tôi về nhà còn bò lăn bò lết, mẹ tôi thấy vậy khóc luôn" - Giao kể.
"Tôi đã tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định kéo chân. Vì vậy, mọi sinh hoạt trong thời gian trị liệu phục hồi chức năng tôi đều tự làm. Mọi thứ với tôi suôn sẻ chứ không hề có khó khăn gì vượt giới hạn. Hồi đó, tôi nhớ là sau khi tháo khung khoảng cuối tháng 6-2010, đến tháng 8 - 9 cùng năm tôi đã tung tăng đi lại. Tháng 10-2010, tôi vác balô nặng 30kg để đi du học Đức 4 năm với chiều cao 1,7m" - Giao nhớ lại.
Việc kéo chân lần thứ hai hoàn toàn ngoài dự định. Sau khi học xong tiến sĩ và trở về TP.HCM giảng dạy ở một trường ĐH, Giao chưa từng nghĩ mình sẽ lại đi... kéo chân.
|
Anh Giao đã hài lòng với vóc dáng của mình sau hai lần tìm chiều cao thêm 13cm - Ảnh: LÊ VÂN |
Kéo chân không dành cho tất cả mọi người
"Sau 10 năm kéo chân, tôi đi kiểm tra để tháo cây đinh nội tủy. Nhưng trong một lần đi đẩy tạ, tôi nghĩ tại sao mình không thử thách bản thân thêm một lần nữa, vì việc tăng chiều cao đối với tôi không chỉ để làm đẹp. Tôi cảm thấy điều này đã làm thay đổi tôi hơn trước rất nhiều. Trước đây, ít khi tôi tập thể hình hay chạy bộ. Nhưng bây giờ, với tôi, ưu tiên số 1 là công việc, số hai là chơi thể thao" - Giao hóm hỉnh kể lại quyết định đi kéo chân lần thứ hai vào tháng 11-2019.
"Có thể với người ngoài cuộc, họ sẽ nghĩ tôi bị điên hay quá... cuồng việc cao thấp. Nhưng riêng tôi, đó là một trải nghiệm mà tôi muốn làm trước tuổi 40, để vượt qua chính mình một lần nữa" - Giao nói.
Nhưng rào cản lớn nhất của anh là khi lại tìm tới bác sĩ Khôi lần nữa. "Đó là thách thức với cả hai bên nên tôi hoàn toàn không đồng ý với đề nghị của Giao" - bác sĩ Trần Chí Khôi nhớ lại.
Để thuyết phục bác sĩ Khôi, Giao phải gặp bác sĩ nhiều lần, chứng minh sức khỏe mình hoàn toàn tốt hơn cả khi chưa kéo chân. "Tôi đưa hết các đoạn phim tôi tập thể hình, đẩy tạ với đòn tạ từ 200 - 300kg sau 10 năm kéo chân. Tôi hoàn toàn tự tin để làm tiếp lần nữa", Giao nói.
Cuối năm 2019, trong dịp nghỉ phép, Giao đã quyết định. Thay vì sẽ tháo đinh nội tủy sau lần kéo chân thứ nhất, anh tiếp tục cưa xương, lắp khung kéo dài chân thêm 6cm.
Nhưng sau lần phẫu thuật thứ hai này, Giao gặp một chút bất ổn. Do xương kéo dài mà các khối cơ, gân không dài kịp, hai bên chân Giao bị quặp vào bên trong suốt 3 tháng đầu. Mỗi ngày với Giao trong thời gian trị liệu, anh đều phải cố hết sức bẻ bàn chân thẳng ra, từng chút một.
"Tôi đã biết trước những biến chứng này nên chỉ tập trung luyện tập. Cũng may khi vừa trở lại trường đi dạy thì chân tôi đã hồi phục 95%" - Giao kể.
Là người từng kéo chân thành công nhiều ca nhưng bác sĩ Khôi luôn yêu cầu bệnh nhân phải cân nhắc. "Có một cô gái từng đến bệnh viện tôi kéo chân. Cô ấy quyết tâm làm sau khi được tư vấn kỹ. Tuy nhiên, sau khi mổ đặt khung kéo được ba ngày thì cô ấy đến... nằng nặc đòi tháo ra vì đau quá chịu không nổi. Nhưng lúc này thì bác sĩ cũng bó tay" - bác sĩ Khôi nhớ lại.
Trở lại cuộc sống hiện tại, tôi bất ngờ vì thực sự khó nhận ra Giao từng kéo chân khi anh nhanh nhẹn đi lại. "Nhiều người nói kéo dài quá sẽ mất tỉ lệ so với cơ thể, nhưng người châu Âu luôn có tỉ lệ chân so với thân người cao hơn người châu Á. Do đó, việc cao lên thì chân dài ra so với phần trên cơ thể với tôi là bình thường.
Bản thân tôi trải nghiệm và cảm thấy tự hào, chất lượng cuộc sống của tôi cũng khác hoàn toàn từ sự thay đổi bên trong. Trước đây tôi ít tập thể thao, nhưng từ ngày tôi kéo chân sau lần thứ nhất tới nay, tôi trở thành một gymer thứ thiệt" - Giao vui vẻ chia sẻ.
Bác sĩ đã làm điều ấy như thế nào?
Theo bác sĩ Trần Chí Khôi, khoa chi dưới (BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM), các bước trong quy trình kéo chân sẽ diễn ra như sau: Bước 1, phẫu thuật viên sẽ cắt xương (xương chày và xương mác cẳng chân hoặc xương đùi) cần kéo dài. Bước 2: đóng đinh nội tủy để giữ xương thẳng trục như chưa gãy; đinh nội tủy còn có tác dụng giúp cho bệnh nhân tập đi sớm sau khi bỏ khung cố định ngoài. Đồng thời, phẫu thuật viên đặt một khung cố định ngoài có trợ cụ điều chỉnh được độ dài để kéo giãn xương theo chiều dài mong muốn.
Trung bình mỗi ngày sẽ kéo được khoảng 1mm. Bước 3: Khi đã đủ chiều dài cần kéo, bệnh nhân sẽ được tháo khung cố định ngoài và tập vật lý trị liệu phục hồi trong thời gian chờ can xương mọc. Bước 4: Sau một thời gian (thường là khoảng 4-5 năm hoặc lâu hơn tùy người), xương đã cắt sẽ được tái tạo lại như bình thường. Bác sĩ sẽ theo dõi chất lượng xương tái tạo và mật độ tái tạo của xương để rút đinh nội tủy.
Bệnh nhân cần được tập vật lý trị liệu ngay sau mổ để hạn chế tối đa hiện tượng teo cơ cứng khớp. Sau 1 năm, bệnh nhân hoàn toàn hồi phục và có thể sinh hoạt, chơi thể thao bình thường.
**************
"Cúc vẹo" - cô gái 21 tuổi có đôi chân bị lệch đến 9cm đi tìm điều thần kỳ như thế nào?
Kỳ tới: Điều thần kỳ cho đôi chân lệch 9cm
LÊ VÂN (TTO)