Đến thác Đắk Pe, nghe kể chuyện tình nàng Pe và chàng Đran

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần đây, thác Đắk Pe (xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với những người yêu thiên nhiên, thích khám phá.

Thác Đắk Pe cách TP. Kon Tum chừng 50 km về hướng Bắc. Từ ngã ba Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) với Tỉnh lộ 677 cách thị trấn Đắk Hà 10 km, du khách đi theo Tỉnh lộ 677 khoảng 18 km là đến làng Krong Đuân, xã Đắk Pxi; rẽ phải đi khoảng 2 km là đến thác Đắk Pe.

Đường vào thác men theo con suối đá dài khoảng 150 m; hai bên là những hàng tre nứa, lồ ô che bóng mát rượi. Thác Đắk Pe có 8 tầng, tầng cuối cùng là khu vực thác chính đẹp nhất. Dòng nước từ độ cao hơn 60 m dội xuống bãi đá, tung bọt trắng xóa, âm thanh vang động cả một góc rừng. Dòng nước trong vắt, mát lạnh giúp xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của đời sống thường ngày. Đây là một địa điểm lý tưởng cho các buổi dã ngoại cùng gia đình, bạn bè, người thân.

den-thac.jpg
Thác Đắk Pe.

Thác Đắk Pe gắn liền với một truyền thuyết vô cùng hấp dẫn của đồng bào Xê Đăng về mối tình giữa cô gái Pe xinh đẹp - con gái duy nhất của Yang Tea (Thần Nước) và chàng trai Đran. Hai người gặp nhau bên con suối Đắk Tia rồi yêu nhau. Song, tình yêu trong sáng của họ bị Thần Nước cản ngăn. Thần Nước nói với chàng Đran nếu muốn lấy nàng Pe làm vợ thì phải tìm bảy gùi củ đắng (ý nói đến sâm Ngọc Linh ngày nay) trong rừng sâu để làm lễ vật. Người già trong làng chỉ cho chàng trai đi tìm củ đắng ở núi Ngọc Linh phía xa sau những cánh rừng bạt ngàn.

Tuy nhiên, nỗi nhớ thương người yêu khiến nàng Pe héo hon. Nàng lén cha tìm xuống bờ suối gặp người yêu. Chờ đợi suốt đêm dài bên dòng suối trong cái lạnh cắt da thịt của tiết trời Tây Nguyên, nàng đã chết trên tảng đá bên bờ suối vắng. Thân xác thanh khiết của nàng đã tan chảy dưới ánh trăng huyền hoặc của núi rừng và hóa thân vào đá trắng. Mái tóc dài của nàng cũng chảy xuôi theo dòng nước mát, óng ả, mượt mà. Quá thương con, Thần Nước cho khơi thêm nhiều con suối trong ngần gần đó cho chảy vào hòa cùng con suối đổ vào thác Đắk Tia. Nước đổ về nhiều làm cho “mái tóc” nàng Pe dài thêm, mượt thêm, vươn đến tận đầu làng Đắk Krong.

Sau khi tìm được bảy gùi củ đắng nơi lưng chừng núi Ngọc Linh, chàng Đran quay về đến chân thác Đắk Tia. Đang cơn đói khát, Đran vục mặt vào dòng suối để uống một hơi cho thỏa thuê. Lạ lùng thay, Đran thoảng nhận ra trong dòng nước dường như có mùi hương tóc nàng Pe! Mùi hương tóc ấy làm chàng thẫn thờ, nhung nhớ.

Biết người yêu đã chết, Đran vô cùng đau khổ, xin Thần Nước cho mình hóa thân thành cây cổ thụ đứng bên thác để luôn được gần người yêu. Thần Nước đồng ý. Và từ đó dân làng Đắk Krong mãi luôn nghe những lời sẻ chia tâm sự của chàng Đran và nàng Pe qua tiếng râm ran thác đổ ngàn đời. Nhớ câu chuyện tình đẹp và buồn ấy, bà con dân làng đã đổi tên thác Đắk Tia thành thác Đắk Pe.

Đây là một trong những truyền thuyết hay nhất về một địa danh ở khu vực Tây Nguyên. Thác Đăk Pe đẹp say đắm lòng người. Cảnh quan xung quanh thác nên thơ, lãng mạn. Thác khá gần trung tâm và đường đi lại thuận tiện nên có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch sinh thái.

Ngày 31/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1756/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó thác Đắk Pe là một trong 35 khu du lịch của tỉnh Kon Tum với quy mô diện tích 20 ha.

Đắk Pe - nàng công chúa ngủ trong rừng ngàn năm, nay đang được đánh thức…

Theo Ngô Xuân Hiền (Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.