Đề xuất bỏ quy định HĐND bầu chủ tịch UBND

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân đề xuất HĐND cấp tỉnh không bầu chủ tịch UBND mà chỉ giới thiệu nhân sự để Thủ tướng phê chuẩn, tạo sự linh hoạt cho Thủ tướng trong điều động chủ tịch UBND.

Sáng 14.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về sửa đổi Hiến pháp, dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề xuất không quy định HĐND bầu chủ tịch UBND
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề xuất không quy định HĐND bầu chủ tịch UBND

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương trao nhiều quyền hơn cho địa phương, song cũng cần trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ, Thủ tướng để đảm bảo điều hành linh hoạt, thống nhất toàn quốc hệ thống hành chính quốc gia.

Ông Huân nêu, hiện dự thảo luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi quy định HĐND bầu chủ tịch UBND theo giới thiệu của chủ tịch HĐND.

HĐND cũng sẽ phê chuẩn các phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND theo giới thiệu của chủ tịch UBND. HĐND cũng sẽ miễn nhiệm các chức vụ do HĐND bầu và phê chuẩn.

Tuy nhiên, cũng tại dự thảo luật lại quy định, khi Thủ tướng quyết định cách chức chủ tịch HĐND, điều động chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm.

"Về mặt quy định thì quy định như dự thảo luật là đúng Hiến pháp nhưng về logic không đúng. HĐND bầu thì phải miễn nhiệm. Thủ tướng mà cách chức, điều động thì HĐND lại không miễn nhiệm. Còn nếu làm đúng, HĐND thực hiện miễn nhiệm thì lại rắc rối. Thủ tướng lại phải xin ý kiến HĐND mới được điều động, cách chức thì phức tạp trong quá trình điều hành", đại biểu Nguyễn Quang Huân phân tích.

Từ đó, ông Huân đề xuất, nếu giữ quyền điều động, cách chức chủ tịch UBND của Thủ tướng Chính phủ thì nên sửa đổi quy định về việc HĐND bầu chức danh này.

"HĐND không phải bầu các chức danh chủ tịch UBND nữa mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn. Như thế sẽ rất thuận. HĐND giới thiệu chức danh chủ tịch, sau đó Thủ tướng phê chuẩn", ông Huân đề nghị.

Với các chức danh phó chủ tịch, thành viên khác của UBND, ông Huân đề nghị, chủ tịch UBND sẽ giới thiệu phó chủ tịch, thành viên khác để HĐND phê chuẩn 1 lần tại đầu nhiệm kỳ. Những lần sau thay đổi, điều động các chức danh này thì chủ tịch UBND chỉ báo cáo HĐND là được. Theo ông Huân, cách làm như thế đảm bảo logic và quyền trao cho Thủ tướng điều động rất là linh hoạt.

Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp, luật Tổ chức chính quyền địa phương sáng 14.5
Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp, luật Tổ chức chính quyền địa phương sáng 14.5

Để thực hiện đề xuất này, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần sửa thêm điều 114 của Hiến pháp, để sửa quy định HĐND bầu các chức danh của UBND cùng cấp.

"Tôi đề nghị thống nhất quy định như vậy tại luật Tổ chức chính quyền địa phương thì sửa thêm điều 114 Hiến pháp, quy định HĐND có nhiệm vụ giới thiệu chủ tịch UBND chứ không bầu", ông Huân nói thêm.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, HĐND bầu chủ tịch UBND theo giới thiệu của chủ tịch HĐND; bầu phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND theo giới thiệu của chủ tịch UBND. Chủ tịch UBND không nhất thiết là đại biểu HĐND. HĐND cũng có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh do mình bầu.

Tại điều 41 dự thảo luật Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động và cách chức khi có vi phạm với chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định điều động chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND cấp xã.

Theo dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 tại điều khoản chuyển tiếp cũng quy định, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp. Cùng đó cũng không tiến hành bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Các chức danh này sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp xã chỉ định theo thẩm quyền.

Theo Lê Hiệp (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn (giữa) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng tập thể Ban Biên tập Báo Gia Lai mới. Ảnh: Đ.T

Công bố quyết định hợp nhất Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thành Báo Gia Lai

(GLO)- Sáng 29-4, tại Trụ sở Báo Gia Lai (TP. Pleiku), Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức và cán bộ. Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Vì việc chọn người

Vì việc chọn người

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác, liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp.