Hành vi của cha mẹ, những bài giảng, đề kiểm tra... dành cho học sinh đều bồi đắp cho người trẻ trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, khi xã hội cùng chung tay chống dịch Covid-19, điều này có ý nghĩa hơn lúc nào hết.
|
Thầy Phạm Thanh Tuấn, giáo viên môn giáo dục công dân trong những lần chia sẻ với các học trò trước đây/ Ảnh: NVCC |
Dịch Covid-19 vào bài kiểm tra
Các câu chuyện như nhà thuốc nâng giá khẩu trang khiến em nghĩ gì về trách nhiệm cộng đồng, hay mỗi người có cách nào để tự bảo vệ chính mình, những người xung quanh trong dịch Covid-19... mới đây được thầy Phạm Thanh Tuấn, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, TP.HCM đưa vào bài kiểm tra trong thời gian học trò nghỉ ở nhà.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, thầy Tuấn cho hay đề bài trên mong muốn để mở rộng tư duy cho học sinh về bài học “công dân với cộng đồng”, để các trò chủ động suy nghĩ dịch Covid-19 nguy hiểm thì mỗi cá nhân, mỗi học sinh cần phải suy nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với cộng đồng như thế nào.
“Trách nhiệm đơn giản nhất, là phải tự giác chủ động tìm hiểu thông tin dịch bệnh, thông tin về cách phòng tránh cho bản thân và mọi người. Trò hiểu được trách nhiệm của công dân là phải biết chia sẻ với mọi người để cùng vượt qua khó khăn, biết hỗ trợ, đồng hành... Hơn bất cứ khi nào, chính những lúc khó khăn, những người trẻ tương lai của đất nước phải thấy được trách nhiệm của bản thân mình; phải biết bỏ qua lợi ích cá nhân, hẹp hòi, ích kỷ vì lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc”, thầy Tuấn nói.
Thầy Tuấn trao đổi thêm: “Cuộc chiến chống Covid-19 muốn thành công, không phải riêng lẻ một người làm được, mà cần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong toàn xã hội. Ở một khía cạnh khác, trách nhiệm phải đi cùng với lợi ích, nhưng vì lợi ích mà không màng đến ý thức, trách nhiệm là một điều không thể chấp nhận được. Vì sự ích kỷ của bản thân có thể ảnh hưởng đến nhiều người đó là một điều không nên, có những lúc bản thân cảm thấy đó là việc bình thường, nhưng nó có thể gây những hậu quả khôn lường không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người”.
Theo thầy Tuấn, không chỉ riêng những sự kiện liên quan đến Covid-19, mà tất cả những vấn đề trong xã hội hiện nay, thì ý thức của cá nhân có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành công tập thể. Giả sử mỗi học sinh ý thức mình học để làm gì, đương nhiên các em có động lực phấn đấu; hay mỗi người không xả rác sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta xanh, sạch hơn.
Để con có trách nhiệm, cha mẹ đừng gian dối
Khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), các nhà trường khảo sát phụ huynh 14 ngày trước có từng đi qua những vùng có dịch hay không. Thầy N.T.H, giáo viên một trường THCS tại Q.5, TP.HCM kể lại việc khảo sát gặp không ít khó khăn, khi có phụ huynh vừa đi du lịch ở Trung Quốc về nhưng giấu và không nói thật. Tuy nhiên, đứa con đã khoe với thầy giáo, là mẹ và con đi Trung Quốc về, nhưng mẹ dặn không được nói cho ai biết. “Thật sự may mắn là không có ca nhiễm nào sau đó. Suy nghĩ, hành động của người lớn đều là tấm gương cho con trẻ, người lớn còn vô trách nhiệm, sao có thể dạy con là người có ý thức trách nhiệm với cộng đồng?”, thầy N.T.H chia sẻ.
Anh Nguyễn Huỳnh Sinh, Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, bày tỏ từ những việc nhỏ nhất, ai cũng có thể sống trách nhiệm với chính mình, cộng đồng. Đơn cử khi dịch Covid-19 đang phức tạp như hiện nay, người có trách nhiệm luôn biết bảo vệ sức khỏe cá nhân, chủ động tự cách ly, khai báo dịch tễ khi đi qua những vùng có dịch.
Thầy Phạm Thanh Tuấn cho hay việc giáo dục cho con trẻ nói chung, hay về ý thức trách nhiệm phải tiến hành đồng thời từ phía phụ huynh và nhà trường. Cha mẹ cần là hình mẫu chuẩn mực để con trẻ noi theo. Nhà trường để cho các em mạnh dạn chia sẻ ý kiến của mình, hướng các em vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đặc biệt môn giáo dục công dân hãy để các em cảm nhận qua từng vấn đề, từng câu chuyện thực tế, đó là một trong những cách học để học sinh cảm nhận từ trái tim và thay đổi hoàn thiện mình tốt nhất.
Đồng tình với quan điểm này, thầy giáo Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5, TP.HCM cho hay giáo dục ý thức cộng đồng, trách nhiệm cho người trẻ có thể lồng ghép vào những bài giảng các môn học.
“Hoặc giáo viên đưa những vấn đề trên thành đề bài nghị luận để các em có thể vừa nêu quan điểm vừa học tập, rèn luyện tiếp thu tinh thần của những phẩm chất này. Còn gia đình là cái nôi hình thành nhân cách, chính là hậu phương tốt nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Một trong những vũ khí trang bị cho các con lẫn chính mình, đó là ý thức”, thầy Huy trao đổi.
Trách nhiệm với chính mình Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, chia sẻ một dân tộc muốn hùng mạnh thì mỗi cá nhân trong đó cũng phải là những người có ý thức cao, biết suy nghĩ cho cộng đồng. “Lên mạng xã hội chia sẻ tin thất thiệt, miệt thị và đổ lỗi cho nạn nhân Covid-19 hay là mất hàng giờ chen lấn ngoài siêu thị để tích trữ đồ ăn không cần thiết, đều là không có trách nhiệm với cộng đồng. Người thật sự cần mua thực phẩm sẽ lấy đâu? Tôi nghĩ mỗi người trẻ nên dành thời gian quý giá đó để chơi thể thao, đọc sách, học tiếng Anh, làm việc nhà… để khỏe mạnh, thêm sức đề kháng. Trách nhiệm với cộng đồng cũng đi từ chính trách nhiệm của mình, nếu mình không làm tốt việc của mình thì không thể nào tốt với cộng đồng”, tiến sĩ Lộc nói. |
Theo Thúy Hằng (Thanh Niên)