(GLO)- Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để góp phần cải thiện bền vững mức sống cho các hộ nghèo tại 25 xã của 5 huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Ia Pa và Mang Yang.
Ông Lê Quang Đạt-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai cho biết: Xác định việc hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất là khâu đột phá giúp người dân thoát nghèo, năm 2016, dự án hỗ trợ triển khai 172 nhóm cải thiện sinh kế (LEG) thuộc các tiểu Hợp phần II-Phát triển sinh kế bền vững và 38 công trình cơ sở hạ tầng. Trong 114,7 tỷ đồng dự án đầu tư năm 2016, kinh phí dành hỗ trợ triển khai các nhóm LEG là 22 tỷ đồng. Ước thực hiện 9 tháng năm 2016, Hợp phần sinh kế giải ngân đạt trên 80% kế hoạch. Có được kết quả này là nhờ sự sâu sát, nỗ lực của tất cả lãnh đạo, cán bộ, tư vấn các Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh, huyện và Ban Phát triển xã.
Ngân hàng Thế giới và Ban Điều phối Trung ương giám sát dự án tại huyện Ia Pa. Ảnh. Đ.Y |
Mục tiêu của dự án là nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế tại các xã nghèo trong vùng dự án. Năm 2016, Kbang là huyện được dự án hỗ trợ thực hiện nhiều nhóm cải thiện sinh kế nhất với 49 nhóm. Công tác giải ngân trong năm đang hoàn thành. Chị Nguyễn Thị Diệu Quyên-cán bộ tư vấn sinh kế Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Kbang cho biết: Để hoàn thành kế hoạch mục tiêu dự án đề ra, sau khi thẩm định, phê duyệt các tiểu dự án sinh kế, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Kbang, các Ban Phát triển xã đã nỗ lực hỗ trợ nhóm LEG từ khâu quản lý nhóm đến giám sát quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, hướng dẫn duy trì sinh hoạt nhóm, hỗ trợ thực hiện các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực và khảo sát giá mua vật tư đầu vào nhằm đảm bảo chất lượng với mức giá phù hợp để các tiểu dự án sinh kế thực hiện đúng thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Mang Yang vừa tổ chức hội nghị thông qua kế hoạch cấp huyện, xã năm 2017 và giai đoạn 2017-2019. Được biết, năm 2017, các xã hưởng lợi từ dự án sẽ tiếp tục đề xuất xây dựng và sửa chữa đường liên thôn, đường bê tông đi vào khu sản xuất, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng học mẫu giáo, trường tiểu học; xây mới và sửa chữa hệ thống nước tự chảy; tập trung thực hiện các tiểu dự án sinh kế như: nuôi dê, heo, cải tạo vườn hộ và nuôi gia cầm... |
Cũng như Hợp phần II-Phát triển sinh kế bền vững, đến thời điểm này, các huyện đã nhận được hồ sơ thiết kế và đang thẩm định để thi công 38 công trình giao thông thuộc Hợp phần I-Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn làng và tiểu hợp phần 3.1-Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối của năm 2016. Ông Lê Quang Đạt cho biết thêm: Đầu tháng 10, tất cả công trình hạ tầng được dự án hỗ trợ sẽ khởi công. Lãnh đạo các Ban Quản lý Dự án đã nắm tinh thần chung và chủ động mọi vật lực để thi công, phấn đấu đến cuối năm 2016, tổng vốn được dự án hỗ trợ sẽ sử dụng hết, hoàn thành mục tiêu dự án đề ra.
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án là cơ sở để hộ nghèo có thêm điều kiện vươn lên xóa nghèo bền vững. Với cách triển khai chặt chẽ dựa trên việc lập kế hoạch từ người dân, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, các nhóm triển khai đều đảm bảo có sự đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn và giám sát của cán bộ dự án. Tính đến cuối tháng 9-2016, nhiều nhóm LEG đã hoàn thành việc giải ngân và cho kết quả bước đầu. Tiêu biểu như 3 nhóm sản xuất lúa và hỗ trợ dinh dưỡng ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa), 2 nhóm sản xuất bắp lai ở xã Đak Tơ Pang (huyện Kông Chro). Chị Đinh Thị Ngọc-Trưởng nhóm sản xuất bắp lai và hỗ trợ dinh dưỡng trồng giống bắp biến đổi gen làng Groi (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) phấn khởi cho biết: “Những thành viên tham gia nhóm sản xuất bắp vui lắm. Dự án đã giúp chị em giống bắp mới, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Sau 4 tháng thực hiện, đến cuối tháng 9-2016, bắp lai đã được thu hoạch. Năng suất giống bắp biến đổi gen đạt sản lượng vượt trội so với giống cũ, trung bình mỗi ha đạt 7 tấn hạt tươi. Từ đây, các thành viên trong nhóm không còn lo thiếu lương thực nữa. Chị em sẽ bán bớt bắp để mua giống heo, gà về nuôi. Thức ăn hàng ngày cho vật nuôi cũng từ bắp. Sản phẩm cứ quay vòng như thế, chị em trong nhóm sẽ thoát nghèo nhanh thôi”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế hoạt động của dự án tại 5 huyện nghèo cho thấy, một số hộ nghèo vẫn còn thiếu đói vào giai đoạn giáp hạt; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng chiều cao đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa còn nhiều. Nguyên nhân một phần là do người dân chưa chú trọng tận dụng các điều kiện sẵn có để chủ động nguồn thực phẩm cho bữa ăn trong gia đình. “Sau một thời gian hỗ trợ, các tiểu dự án sinh kế, đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn làng và công trình kết nối đã giúp trên 3.000 hộ nghèo hưởng lợi vận dụng tốt các quy trình kỹ thuật vào sản xuất. Họ đã biết sử dụng giống mới, gieo trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo hướng dẫn. Hộ nghèo cũng đã dần biết tính toán sử dụng vật tư, phân bón hợp lý, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi đúng cách. Việc tổ chức sản xuất theo nhóm đã tạo cơ sở để hình thành vùng sản xuất tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là cơ sở để các hộ dân tiếp tục thay đổi cách làm mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, việc đẩy nhanh tiến độ dự án là cần thiết hơn bao giờ hết”-ông Đạt nhấn mạnh.
Đinh Yến