Đặt mục tiêu mới, ngành Du lịch tập trung hút khách quốc tế cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để tăng mục tiêu đón khách quốc tế lên 12-13 triệu lượt người cho cả năm 2023, loạt giải pháp đồng bộ sẽ được ngành Du lịch tập trung triển khai trong quý IV cùng sự quan tâm của Chính phủ.
Du khách quốc tế yêu thích văn hóa trà Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Du khách quốc tế yêu thích văn hóa trà Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Du lịch Việt Nam có đầy đủ cơ sở để đạt được mục tiêu điều chỉnh đón 12-13 triệu khách quốc tế năm 2023, thay vì con số 8 triệu khách như kế hoạch đầu năm.

Đó là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy, tại cuộc Họp báo thường kỳ quý III năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chiều ngày 9/10.

“Rộng đường” nới mục tiêu

Theo đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tế, cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) là từ tháng 10 đến 4 năm sau, cùng với kết quả 9 tháng đầu năm 2023, khách “inbound” đã vượt 111% kế hoạch đặt ra với gần 8,9 triệu lượt người, Cục Du lịch Quốc gia nhận thấy cần thiết phải tăng chỉ tiêu đón khách quốc tế lên 12-13 triệu khách để du lịch phát triển cao hơn nữa.

Ông Phạm Văn Thủy cho biết có 4 cơ sở để tăng mục tiêu này, bao gồm: Chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8/2023; Chính sách đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam với khu vực và thế giới hết sức hiệu quả; Chủ trương chấn hưng văn hóa với các di sản trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, hấp dẫn khách quốc tế; các thị trường lớn đã mở cửa và phục hồi, cũng là các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ đem lại nguồn khách lớn.

Trước đó, tại Hội nghị Sơ kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch 9 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 diễn ra sáng 29/9, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt thông báo Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 đến 13 triệu lượt khách năm 2023, tăng khoảng 156% so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.

Còn đối với khách nội địa, hiện lượng khách đã đạt khoảng 93,5% mục tiêu đặt ra của cả năm. Từ nay đến cuối năm dự kiến du lịch nội địa cũng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra với khoảng 102 triệu lượt khách.

Trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo là một trong những "điểm cộng" của du lịch Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo là một trong những "điểm cộng" của du lịch Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lãnh đạo ngành khẳng định điểm sáng của ngành Du lịch trong 9 tháng qua là nhiều nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành như: Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023…

Tuy nhiên, đại diện Cục Du lịch Quốc gia cũng chỉ ra một số điểm nghẽn mà hoạt động du lịch vẫn chưa phục hồi một cách toàn diện, ngay cả ở các trung tâm du lịch lớn, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Xung đột Nga-Ukraine, thị trường khách Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn; nguyên nhân chủ quan đến từ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từ trung ương đến địa phương vẫn còn hạn chế.

Cùng với đó sau COVID-19, khách du lịch đã thay đổi xu hướng du lịch, nhu cầu giảm, chi tiêu ít và hoạt động ít, dẫn đến lượng khách có thể đã tăng lên nhưng hoạt động chưa hoàn toàn phục hồi.

Tập trung 'hút khách' cuối năm

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy cho biết trong 3 tháng cuối năm, ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 82 của Chính phủ, đi sâu vào các giải pháp để thu hút khách quốc tế; Cục Du lịch Quốc gia sẽ tham mưu để tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch nhằm tháo gỡ vướng mắc, trở ngại, đặc biệt ở các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long…

Ngoài ra, Cục Du lịch Quốc gia sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai đồng loạt các hoạt động xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như đẩy mạnh công tác quản lý điểm đến, khắc phục khó khăn, những điểm yếu của các điểm đến để tăng cường chất lượng và thu du hút khách.

Du khách quốc tế ấn tượng với những trải nghiệm cùng thiên nhiên Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Du khách quốc tế ấn tượng với những trải nghiệm cùng thiên nhiên Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu mới đề ra, trong những tháng cuối năm, hoạt động trọng tâm của ngành Du lịch sẽ là đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tập trung vào các thị trường mục tiêu. Trong đó, với thị trường Tây Âu, Cục Du lịch Quốc gia cùng với các doanh nghiệp du lịch đang tích cực chuẩn bị cho Hội chợ Du lịch Thế giới (WTM) sẽ diễn ra tại London (Anh) vào tháng Mười Một; tập trung vào thị trường Trung Quốc và ASEAN với Hội chợ Du lịch Trung Quốc-ASEAN sẽ diễn ra tại Quế Lâm, Trung Quốc trong tháng Mười; cùng với các thị trường khác như Mỹ, Australia hay Ấn Đỗ cũng được quan tâm.

Một trong những trọng tâm của du lịch Việt thời gian tới được xác định là phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch. Theo đó, Chính phủ đã có đề án phát triển kinh tế đêm và ngành Du lịch cũng đã ban hành Đề án phát triển các sản phẩm du lịch đêm.

12 địa phương đã được chọn để quy hoạch, phát triển các khu, phân khu, chức năng nhằm phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Đề án cũng tạo khung pháp lý cho các sản phẩm du lịch đặc thù này phát triển bằng việc cho phép các dịch vụ được hoạt động từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau…

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.