(GLO)- Nói đến du lịch Gia Lai, người ta sẽ nghĩ ngay đến những buôn làng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Bên cạnh đó, hệ thống sông suối, lòng hồ, thác nước... phong phú giữa những cánh rừng thiên nhiên bạt ngàn hoang sơ, hùng vĩ cũng là thế mạnh để tỉnh nhà có thể khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Mỗi dòng thác sẽ có hành trình chinh phục khác nhau, với nhiều vẻ đẹp khác nhau khiến du khách say mê khám phá.
Từ những con thác nước dễ chinh phục
Trong số những thác nước đẹp gần trung tâm thành phố phải kể đến thác Phú Cường. Thác Phú Cường thuộc xã Dun, huyện Chư Sê, cách TP. Pleiku 45 km, chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động. Vào mùa mưa, thác hùng vĩ với cột nước trắng xóa dòng thác tuôn trào mạnh mẽ bao phủ cả không gian bao la tạo nên khung cảnh kì vĩ, hoang dã giữa núi rừng xanh mát. Vào mùa khô, dòng nước thu hẹp như một dải lụa mềm buông lơi giữa trời.
Thác Queng Thoa (huyện Chư Sê). Ảnh: T.T |
Cũng nằm trên địa phận huyện Chư Sê là thác Queng Thoa, cách TP. Pleiku khoảng 50 km về hướng Đông Nam theo quốc lộ 25. Có độ cao hơn 20 mét, Queng Thoa trải rộng thành 3 dòng thác mạnh đổ xuống tạo thành dòng chảy mạnh mẽ lượn trên những tảng đá xanh rêu, chảy xuyên qua những hàng cây sung trĩu quả, xanh tốt quanh năm. Dòng thác Queng Thoa còn hoang sơ nhưng mạnh mẽ, luôn tạo ra một lớp bụi nước dìu dịu bao phủ, tạo cảm giác mát lạnh và sảng khoái khi du khách đi bộ xuyên qua những đồi cà phê hay bước từng bước vững chãi theo tầng cấp của vách đá, bên những rễ cây đa cổ thụ có nhiều hình thù “quái dị” để làm tay vịn xuống chân thác.
Trong khi đó, thác Chín Tầng không cao mà trải dài và uốn lượn dọc theo những vách đá ghồ ghề và phân thành 9 tầng riêng biệt, nằm cách TP. Pleiku 20 km, thuộc xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Đường đến thác Chín Tầng cơ bản đã được trải nhựa nên việc đi lại rất thuận lợi, dọc theo hai bên đường là những vườn cà phê xanh ngút ngàn nằm thoai thoải bên các sườn đồi tạo nên một phong cảnh rất thơ mộng và hữu tình. Xung quanh thác là hệ sinh thái rừng còn khá nguyên sơ, góp phần tạo nên vẻ đẹp hoang dã và hùng vĩ của thác.
Không thể không kể đến thác Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Tuy không cao nhưng thác có địa hình đẹp, dòng chảy dịu êm, hơi nước bay như những làn sương mù bao phủ. Đặc biệt, thác có nhiều lợi thế là nằm gần trung tâm thành phố, đường đi vào thác bằng phẳng, dọc hai bên đường đi là những hàng chè xanh mướt-đặc sản trà Bàu Cạn đã trở thành thương hiệu của vùng đất này. Thế nhưng thác Bàu Cạn giờ chỉ còn là dòng thác khô cạn, lượng nước nhỏ giọt do ngọn núi cạnh thác bị khai phá trồng lúa, đầu thác bị chặn dòng làm thủy điện nhỏ và tưới cà phê. Tuy nhiên từ tháng 10 trở đi, khoảng sau mùa mưa dòng nước lại vội vã trở về. Nếu được đầu tư tái tạo rừng đầu nguồn, phủ xanh đồi núi trọc giữ gìn nguồn nước thì dòng thác sẽ hồi sinh, đưa thác Bàu Cạn trở lại với vẻ đẹp hoang sơ ngày nào.
Đến những thác nước hùng vĩ
Là nơi có công trình mang tầm cỡ quốc gia đi cùng với những giá trị về văn hóa tinh thần đang được bảo tồn, lưu giữ, Ia Ly là điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi khi có dịp đặt chân đến. Để phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có, lãnh đạo Công ty Thủy điện Ia Ly đang tính đến việc mở tour tham quan về công trình công nghiệp và du lịch sinh thái từ Ia Ly đến các công trình bậc thang dưới như: Sê San 3, Sê San 3A và Sê San 4 trong hành trình tham quan liên hoàn.
Cũng là một thắng cảnh đẹp, hồ Ayun Hạ nằm trên địa bàn 2 huyện Phú Thiện và Chư Sê, cách TP. Pleiku 70 km, là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí… Nước trên mặt hồ trong xanh, ngồi trên du thuyền hay xuồng máy, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh hữu tình của một vùng non xanh, nước biếc, lồng lộng mây trời, được ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ và hít thở không khí trong lành. Điểm nhấn của du lịch Ayun Hạ là còn nhiều bãi cồn, du khách có thể vừa đi dã ngoại, vừa thưởng thức các món đặc sản dân dã mang hương vị của ẩm thực bản địa.
Nằm trên địa bàn xã Sơn Lang, huyện Kbang, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Kôn, có độ che phủ cao nhất toàn quốc với diện tích 15.446 ha. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động-thực vật có nguồn gen quý hiếm và đặc hữu. Ngoài ra, trong khu bảo tồn này còn có nhiều thác nước cao và rất đẹp, điển hình là thác 50 với độ cao khoảng 54 mét, quanh năm nước chảy trắng xóa giữa khu rừng nguyên sinh hùng vĩ. Tuy vào mùa khô nhưng nước chảy xiết, mạnh, lượng nước nhiều, chảy theo chiều thẳng đứng tạo sương mù và cầu vồng rất đẹp. Có thể nói đây là một trong những thác đẹp nhất Tây Nguyên hiện nay. Ngay trên đỉnh thác có một hồ chứa rất nhiều cá do thiên nhiên ban tặng. Du khách có thể tổ chức những cuộc picnic ngay trên trảng đá này, tham gia trực tiếp thả lưới, câu cá, bắt ốc… nướng và thưởng thức đặc sản của núi rừng như uống mật ong rừng, ăn rau rừng.
Tương tự, cùng với những đồi thông trải dài, huyện Mang Yang còn sở hữu những dòng suối, thác nước, cánh rừng nguyên sinh rất đẹp. Trong đó, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (xã Ayun) chính là điểm nhấn đặc biệt để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Sức hấp dẫn của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn nằm ở hệ thống sông, suối, thác, ghềnh tự nhiên tuyệt đẹp như: thác Đak Pooc, suối Knia, Đak Kơ Bưng... Thác 95 nổi tiếng và đẹp nhất-có độ cao khoảng 40 mét. Nhìn từ xa như một dải lụa trắng lượn lờ theo những giai điệu của đại ngàn trên nền rừng xanh thẳm.
Tiềm năng là thế, song tiếc rằng loại hình du lịch này vẫn chưa được khai thác có hiệu quả do còn đơn điệu về dịch vụ và chưa kết nối được các tour trong hành trình tham quan, khám phá của du khách với điểm đến được lựa chọn.
Võ Thanh Thảo