Đắk Lắk: Chậm di dân lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng, huyện lập "Sở chỉ huy" ứng phó mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù chưa có mưa lớn nhưng UBND huyện M'Đrắk (Đắk Lắk) đã lập "Sở chỉ huy" với 200 người để kịp thời ứng phó, di dời người dân trong vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng.
Ngày 23/9, ông Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND huyện M'Đrắk (Đắk Lắk) cho biết, mặc dù hiện thời tiết chưa có mưa lớn nhưng địa phương đã sẵn sàng các phương án để ứng phó. Đặc biệt, tại Cư San, huyện đã chỉ đạo UBND xã này thành lập tổ phản ứng nhanh, lên phương án để hỗ trợ di dời dân khi cần thiết.
 
Tháng 8/2020, do mưa lớn, người dân vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng phải dùng sà lan để đi gặt lúa. Ảnh: Duy Hậu
Tháng 8/2020, do mưa lớn, người dân vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng phải dùng sà lan để đi gặt lúa. Ảnh: Duy Hậu
"UBND huyện cũng thành lập một "Sở chỉ huy" với 200 người sẵn sàng hỗ trợ, di dời dân ở xã này nếu có mưa lớn; giao cho Phòng Tài chính lên phương án chuẩn bị lương thực, thực phẩm khi cần thiết" - ông Thạch nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng dự kiến phục tưới tiêu cho gần 15 ngàn ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 73 ngàn dân. Tuy nhiên vì nhiều lý do, dự án bị chậm tiến độ dẫn đến vốn đầu tư đội lên từ 2.900 tỷ thành 4.400 tỷ đồng.
 
Trong 4 tháng cuối năm 2020, người dân vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng liên tiếp hứng chịu 3 trận lũ gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: Duy Hậu
Trong 4 tháng cuối năm 2020, người dân vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng liên tiếp hứng chịu 3 trận lũ gây thiệt hại nặng nề. Ảnh: Duy Hậu
Tháng 3/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký quyết định phê duyệt chặn dòng thi công vượt lũ đập số 1 thuộc cụm công trình đầu mối của dự án này. 4 tháng cuối năm 2020, người dân xã Cư San (nằm trong diện di dời của dự án) liên tiếp hứng chịu 3 trận lũ làm hư hại hàng trăm ha hoa màu, cây cối, hàng trăm ngôi nhà bị nhấn chìm.
Theo kế hoạch, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng bắt đầu từ khi dự án được phê duyệt (năm 2009). Thế những vì nhiều lý do, đến năm 2018 việc này mới tái khởi động. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A) được giao thực hiện việc này.
 
Tháng 3/2021, những hộ dân đầu tiên mới bắt đầu rời Cư San về khu tái định cư số 1. Ảnh: Duy Hậu
Tháng 3/2021, những hộ dân đầu tiên mới bắt đầu rời Cư San về khu tái định cư số 1. Ảnh: Duy Hậu
Tháng 3/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng lên kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ với hơn 1.100ha. Kế hoạch chia làm 3 giai đoạn và kết thúc toàn bộ trước tháng 11/2020. Tuy nhiên đến cuối năm 2020, kế hoạch này vẫn giẫm chân tại chỗ. Tháng 3/2021, những hộ dân đầu tiên mới bắt đầu rời Cư San về khu tái định cư số 1 (thuộc xã Cư Elang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk).
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Cư San có 720 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng phải di dời. Hiện địa phương đã di dời được 141 hộ, số còn lại, vì nhiều lý do, vẫn chưa đi.
"Nếu mưa lớn thì toàn bộ số dân còn lại trong vùng lòng hồ đều bị ảnh hưởng, cần phải di dời. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người dân nếu mưa lũ diễn biến phức tạp, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Trước mắt, tôi đã chỉ đạo các lực lượng khảo sát đường đi, chọn những điểm cao phù hợp có thể dựng lều lán, sơ tán dân khi cần" - ông Thạch cho biết.
"Người dân vẫn còn nhiều ý kiến thắc mắc, chủ yếu là đòi quyền lợi. Trong khi đó, các chính sách bồi thường cho dân đã được chính quyền làm rất tốt. Hiện chúng tôi vẫn chủ yếu vận động tuyên truyền, đồng thời giải đáp mọi thắc mắc của dân. Việc cưỡng chế nếu phải thi hành thì đây là biện pháp cuối cùng và hạn chế ở mức thấp nhất" - ông Thạch nói thêm.
Ông Phạm Văn Hạ - Giám đốc Ban A thừa nhận, hiện nay tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời dân tại khu vực lòng hồ Dự án hồ Krông Pách Thượng đang bị chậm. Tuy nhiên, theo ông Hạ việc chậm trễ này chủ yếu là do người dân. "Dân không nhiệt tình, họ cứ đi túc tắc, từ từ chứ không phải không đồng ý" - ông Hạ nói.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm