Đại gia hào phóng buông ngàn tỷ đỡ nhà Cường đôla lúc đen đủi,cạn tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) tiếp tục gây sốc, chưa thoát vòng xoáy đen đủi và vẫn đang phải sống nhờ vào lòng hảo tâm hiếm có của các đại gia hào phóng liên quan tới ban lãnh đạo QCG.

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) của gia đình nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 với lợi nhuận sụt giảm 98% trong khi doanh thu giảm hơn 70% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ bất động sản (BĐS) - mảng kinh doanh cốt lõi của Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt chưa tới 2,5 tỷ đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước do công ty chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Tính tới cuối quý 2, tổng tài sản QCG đạt hơn 12 ngàn tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm hơn phân nửa: hơn 7,1 ngàn tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự án Khu dân cư Phước Kiểng (gần 4,8 ngàn tỷ đồng).

Đây là một dự án khiến doanh nghiệp nhà Cường Đôla bế tắc trong cả thập kỷ qua do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và chưa thể triển khai. Có nhiều thời điểm, các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ nhưng dự án 92ha do QCG làm chủ đầu tư mới giải phòng đền bù được hơn 90%.

 



QCG đã từng nhận số tiền gần 2.900 tỷ đồng từ Sunny Land, một đối tác có liên quan tới dự án Phước Kiển và ký biên bản ghi nhớ về việc QCG sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu của QCG trong một công ty sẽ được thành lập từ việc gốp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Tập đoàn Sunny. Tuy nhiên, sau đó 2 doanh nghiệp đã thanh lý biên bản nêu trên.

Gần đây, Quốc Cường Gia Lai cũng dính vào vụ lùm xùm với 1 dự án Phước Kiển khác. Dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) đã bị kỷ luật sau vụ bán đất rẻ cho QCG. Tân Thuận đã bán chỉ định hơn 30ha đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) với giá 1,29 triệu đồng/m2.

Vụ bán đất vàng giá bèo đã không trôi, QCGL của nhà ông Nguyễn Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Cường) nắm giữ vị trị Chủ tịch HĐQT rơi vào vòng xoáy nóng, cổ phiếu bị bán tháo trên TTCK trong một thời gian dài.

Nợ nần chồng chất, dự án không được triển khai, QCG hiện đang phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của một số đại gia.

Mặc dù doanh nghiệp làm ăn không tốt, ban lãnh đạo doanh nghiệp được hưởng những khoản lương thưởng thấp nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan và gia đình Lại Thế Hà, Thành viên HĐQT và các tổ chức, cá nhân khác cho QCG vay hàng ngàn tỷ đồng. Các cổ đông đang phải mang ơn những người này.

Theo báo cáo mới nhất, gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan cho QCG vay gần 770 tỷ. Ông Lại Thế Hà, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc cùng con gái là bà Lại Thị Hoàng Yến cũng cho QCG vay 333 tỷ đồng. Tổng cộng QCG vay của các tổ chức và cá nhân gần 2 ngàn tỷ đồng.

QCG được biết đến là một cổ phiếu có biến động giá rất cao.

Hồi cuối 2016, thông tin QCG nhận tiền tạm ứng 50 triệu USD từ Sunny và dự định bán dự án cho đối tác này đã giúp cổ phiếu QCG tăng vọt từ khoảng 7 lần từ dưới 5.000 đồng/cp hồi cuối 2016 lên gần 30.000 đồng/cp giữa năm 2017.

Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó tụt giảm mạnh xuống dưới 8.000 đồng/cp hồi giữa tháng 7, trước khi tăng trở lại lên gần 10.000 đồng/cp như hiện nay.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đa số các cổ phiếu chịu áp lực bán ra rất mạnh, ảnh hưởng từ thị trường châu Á. Chứng khoán châu Á giảm trên diện rộng sau khi Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẽ đáp trả lại kế hoạch của Mỹ tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc

Mặc dù vậy, lực cầu bất ngờ dồn vào các cổ phiếu trụ cột giúp VN-Index thoát một phiên giảm điểm sâu,chuyển sang tăng nhẹ. Nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PLX, PVD, PVS... tiếp tục diễn biến tích cực và là lực đỡ cho chị trường.

Petrolimex (PLX) vừa báo lãi khủng nhờ giá dầu trong nước tăng cao.

Cổ phiếu VietJet (VJC) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng diễn biến tích cực. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và bán lẻ cũng hút dòng tiền trở lại do kết quả kinh doanh tích cực.

Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục đưa ra dự báo khá tích cực.

BVSC cho rằng, thanh khoản thị trường ở mức tương đối tốt cũng được đánh giá là yếu tố tích cực trong bối cảnh hiện tại. Thị trường vẫn đang có diễn biến tăng giảm điểm xen kẽ theo chiều hướng tích lũy.

Theo SHS, việc ngưỡng tâm lý 950 điểm được giữ vững sẽ giúp thị trường có cơ hội hướng đến các ngưỡng cao hơn trong một vài phiên sắp tới. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong tương lai.

BSC cũng xác nhận thị trường đang ở trong giai đoạn tích lũy và hồi phục.

Kết thúc phiên giao dịch 2/8, VN-index tăng 0,78 điểm lên 953,55 điểm; HNX-Index tăng 0,09 điểm lên 105,65 điểm. Upcom-Index giảm 0,12 điểm xuống 50,18 điểm. Thanh khoản đạt 270 triệu cổ phần. Giá trị đạt hơn 5,1 ngàn tỷ đồng.

V. Hà (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.