Cường đôla nổi sóng, Bầu Đức thu lợi lớn từ Myanmar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động với hàng loạt cổ phiếu nổi sóng như QCG nhà Cường đôla, HAG và HNG của Bầu Đức, nhóm dầu khí, chứng khoán… Tuy nhiên, thị trường có thể chịu áp lực bán sau khi thiết lập đỉnh mới và đón thông tin nhóm đại gia Trầm Bê bị bắt.

Sau vài phiên phát tín hiệu tốt, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí đồng loạt tăng mạnh. Nhóm đầu tàu dẫn dắt như TCT Khí Việt Nam - CTCP (PVGAS - GAS), Petrlimex (PLX), Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD)… đều tăng giá mạnh.

Nhóm cổ phiếu ngành bia quay đầu tăng giá sau vài phiên chùng xuống do lợi nhuận suy giảm. Bia Hà Nội Habeco (BHN) tăng trần, Bia Sài Gòn Sabeco (SAB) cũng tăng rất mạnh. Hai cổ phiếu này vẫn đang được hưởng lợi từ thông tin Nhà nước sẽ thoái vốn trong năm nay.

Một số cổ phiếu bất động sản và xây dựng vừa thông báo kết quả kinh doanh ấn tượng cũng có diễn biến thuận. Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) tăng hơn 3% sau một vài phiên điều chỉnh giảm sau kỳ tăng nóng 6-7 lần từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6.

Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường vừa bất ngờ báo lãi kỷ lục hơn 200 tỷ đồng trong quý 2 năm 2017 sau hơn nửa thập kỷ khó khăn, thua lỗ-lãi thấp và nợ nần cao. Quốc Cường Gia Lai (QCG) gần đây ký thỏa thuận chuyển nhượng dự án trọng điểm Phước Kiển cho một đối tác, thu trước khoản tiền ngàn tỷ để thanh toán nợ tại Ngân hàng BIDV. Trong quý 2 này, QCG hơn 200 tỷ đồng doanh thu tài chính.


 

Giới đầu tư lo ngại cổ phiếu ngân hàng sau khi đại gai Trầm Bê bị bắt.
Giới đầu tư lo ngại cổ phiếu ngân hàng sau khi đại gai Trầm Bê bị bắt.



Bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) tiếp tục xanh. Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng vừa báo lãi ngàn tỷ trong quý 2 sau khi HAGL Agrico (HNG) trước đó bão lãi ngàn tỷ. Trong đó, ngoài khoản lãi từ bán tài sản, bán trái cây thì một khoản lãi lớn từ dự án BĐS ở Myanmar đã giúp Bầu Đức có được kết quả kinh doanh hơn cả mong đợi.

Hai doanh nghiệp nhà Bầu Đức được cho là đã tái cấu trúc cơ bản các khoản nợ sau một thời gian dài Bầu Đức phải cầm cố, thế chấp gần như toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và cả tài sản của cá nhân cho các khoản nợ tại rất nhiều ngân hàng. Quyết định bán một số tài sản như thủy điện, mía đường… đã giúp doanh nghiệp của Bầu Đức nhẹ nợ.

Báo cáo cũng cho thấy, dự án bất động sản tại Myanmar của HAG có tỷ suất lợi nhuận cao, trong khi đó mảng mới: trái cây của HAGL Agrico mang về doanh thu lớn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến khá tích cực, trong đó có Agriseco (AGR) của Ngân hàng Nông nghiệp vẫn tăng trần. Chứng khoán Quân đội (MBS) cũng tăng khá mạnh.

Nhóm cổ phiếu ngành thép và vật liệu xây dựng chịu áp lực bán mạnh. HSG của ông Lê Phước Vũ tiếp tục giảm sau khi công bố thông tin kết quả kinh doanh thất vọng. Chỉ có HPG của ông Trình Đình Long đảo chiều tăng sau 3 phiên chịu áp lực chốt lời.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng hạ nhiệt với nhiều cổ phiếu đứng ở mức giá tham chiếu và một số chỉ còn tăng nhẹ. Hàng loạt các báo cáo kết quả kinh doanh tốt gần đây đã thổi một luồng gió mát vào nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn.

Thông tin nhóm cựu lãnh đạo Sacombank, trong đó có đại gia Trầm Bê và Phan Huy Khang vừa bị bắt tạm giam trong vụ án: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Tiên Phong Bank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng… có thể gây tác động xấu tới nhóm cổ phiếu này cũng như thị trường chứng khoán nói chung.

Tuy nhiên, Sacombank cho biết, ngân hàng này không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh dưới thời ông Trầm Bê.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động với mỗi phiên có trên dưới 5 ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng. Khối ngoại vẫn đang mua ròng mạnh. VN-Index lên đỉnh cao 9 năm mới.

Theo CTCK BSC, xu hướng chung của dòng tiền sẽ vận động quanh các cổ phiếu vốn hóa lớn và dẫn dắt thị trường. Về mặt điểm số, chỉ số thị trường chinh phục trở lại mức kháng cự ngắn hạn 780 điểm, thanh khoản thị trường gia tăng cùng sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đóng vai trò dẵn dắt thị trường. Thị trường đang quay lai xu hướng tăng kèm cải thiện thanh khoản, trong những phiên tới đây, chỉ số VN-index có cơ hội chinh phục các ngưỡng kháng cự ngắn hạn tiếp theo vùng 800, thanh khoản duy trì tích cực xoay quanh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, vận động thị trường trong vùng an toàn.

CTCK Rồng Việt cho biết, thị trường tăng và đã chạm lại vùng đỉnh cũ thiết lập ngày 10-7. Thanh khoản cũng tăng mạnh trở lại là một điểm cộng. Tuy nhiên, số lượng mã tăng - mã giảm trên thị trường khá cân bằng. Các yếu tố đang hỗ trợ cho thị trường lúc này có thể kể đến như KQKD Q2 của các mã vốn hóa lớn sẽ dần công bố trong tuần này và tuần sau, thị trường phái sinh có thể đưa vào hoạt động trong tháng Tám, qua đó kỳ vọng các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 sẽ được hỗ trợ và. Bên cạnh đó, Nghị quyết xử lý nợ xấu có thể tác động tích cực đến nhóm ngân hàng, vốn là một nhóm tiềm năng để trở thành dòng dẫn dắt thị trường giai đoạn này.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1-8, VN-index tăng 3,26 điểm lên 786,81 điểm; HNX-Index tăng 0,14 điểm lên 101,33 điểm.

H. Tú (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước