(GLO)- Lời Tòa soạn: Sau khi được thành lập trên cơ sở Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh, Cục QLTT Gia Lai đã nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là công tác tăng cường kiểm soát thị trường cuối năm. Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh.
* P.V: Ông có thể cho biết vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục QLTT Gia Lai sau khi thành lập?
Ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh. Ảnh: L.L |
- Ông LÊ HỒNG HÀ: Ngày 10-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công thương. Đến ngày 11-10-2018, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 3672/QĐ-BCT về việc thành lập Cục QLTT tỉnh Gia Lai trực thuộc Tổng cục QLTT trên cơ sở Chi cục QLTT Gia Lai. Theo mô hình mới, ngành QLTT được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương. Mô hình tổ chức mới này sẽ góp phần nâng tầm địa vị pháp lý và là tiền đề để xây dựng lực lượng QLTT hoạt động chuyên trách, thống nhất.
Về cơ cấu tổ chức, Cục QLTT Gia Lai được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với 97 biên chế và 18 hợp đồng theo Nghị định 68. Theo đó, từ 16 đội QLTT trước đây giảm xuống còn 12 đội, gồm 11 đội quản lý địa bàn và 1 đội kiểm tra cơ động thực hiện kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng Văn phòng Cục vẫn giữ nguyên cơ cấu gồm lãnh đạo Cục và 3 phòng chuyên môn: Tổ chức-Hành chính, Thanh tra-Pháp chế, Nghiệp vụ-Tổng hợp.
Sau khi thành lập, Cục QLTT Gia Lai vẫn thực hiện các nhiệm vụ chính như: kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… góp phần ổn định thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Cục cũng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác QLTT ở địa phương do UBND tỉnh chỉ đạo và vẫn là cơ quan thường trực giúp việc cho Trưởng ban và Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389).
* P.V: Việc triển khai các nhiệm vụ mới của Cục QLTT tỉnh sau khi thành lập được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông LÊ HỒNG HÀ: Sau khi đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức mới, Cục QLTT Gia Lai đã chỉ đạo các phòng, đội trực thuộc tập trung ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức và người lao động. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục QLTT. Bên cạnh đó, để tổ chức và hoạt động của các Đội QLTT trên địa bàn được liên tục, xuyên suốt, lãnh đạo Cục yêu cầu các đội bám sát địa bàn, giữ mối liên hệ với địa phương và không để gián đoạn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Cục đã trực tiếp làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố có Đội QLTT được giải thể, sáp nhập và thành lập mới. Theo đó, Đội QLTT số 1 thực hiện nhiệm vụ quản lý địa bàn TP. Pleiku; Đội QLTT số 2 quản lý địa bàn huyện Chư Pah và Ia Grai; Đội QLTT số 3 quản lý địa bàn huyện Đức Cơ; Đội QLTT số 4 quản lý địa bàn huyện Chư Prông; Đội QLTT số 5 quản lý địa bàn huyện Chư Sê, Chư Pưh; Đội QLTT số 6 quản lý địa bàn thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa, Phú Thiện; Đội QLTT số 7 quản lý địa bàn huyện Krông Pa; Đội QLTT số 8 quản lý địa bàn huyện Đak Đoa; Đội QLTT số 9 quản lý địa bàn huyện Mang Yang; Đội QLTT số 10 quản lý địa bàn huyện Đak Pơ và Kbang; Đội QLTT số 11 quản lý địa bàn thị xã An Khê và huyện Kông Chro. Riêng Đội QLTT số 12 thực hiện nhiệm vụ cơ động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh.
* P.V: Những tháng cuối năm, thị trường hàng hóa thường diễn biến khá phức tạp. Vậy Cục QLTT sẽ có những giải pháp gì để tăng cường kiểm soát thị trường cuối năm, thưa ông?
- Ông LÊ HỒNG HÀ: Những tháng cuối năm, thị trường hàng hóa trở nên sôi động. Đây cũng là thời điểm gia tăng các hoạt động gian lận thương mại. Do đó, Cục QLTT Gia Lai đã xây dựng kế hoạch và ban hành văn bản chỉ đạo các đội tăng cường kiểm soát thị trường cuối năm. Trong đó, tập trung các giải pháp như: tăng cường kiểm soát giá cả, tránh biến động giá, gây bất ổn thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, các thủ đoạn gian lận đo lường, đóng gói để tăng giá, thu lợi bất chính. Tăng cường kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ lễ, Tết, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Đặc biệt, chú trọng kiểm soát tình hình vận chuyển, tàng trữ và mua bán các hàng hóa trái phép như thuốc lá lậu, pháo nổ; nước giải khát, rượu, bia nhập lậu…
Ngoài ra, Cục cũng đã chỉ đạo các Đội QLTT địa bàn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh-kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định về quản lý giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo niêm yết giá. Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch chuyên đề kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... góp phần bình ổn thị trường cuối năm và thị trường Tết Nguyên đán 2019.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Lê Lan (thực hiện)