COVID-19 đã làm lộ ra các công ty 'xác sống'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại dịch COVID-19 càng kéo dài, nguy cơ kinh tế suy thoái càng lớn. Viễn cảnh khủng hoảng kiểu năm 2008 khiến ngân hàng trung ương khắp thế giới đang hối hả tung các biện pháp giải cứu.
 
Các ngành dịch vụ, ăn uống... sẽ chịu tác động mạnh của đại dịch viêm phổi cấp - Ảnh: AFP
Mặc dù cuối tuần trước Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã ra tay cắt lãi suất đồng USD và mua vào trái phiếu, điều đó vẫn không ngăn được đà rơi của chứng khoán Mỹ và thế giới trong tuần này. Đại dịch COVID-19 đang đe doạ châm ngòi một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Theo ông Ruchir Sharma - chiến lược gia trưởng của công ty tài chính Morgan Stanley Investment Management, thế giới ngày nay mắc nợ tương đương, nếu không nói là nhiều hơn, so với  trước khủng hoảng tài chính 2008.
Điểm khác biệt là khối nợ mang rủi ro cao đã chuyển từ hộ gia đình, ngân hàng ở Mỹ sang các công ty, tập đoàn trên khắp thế giới.
Giữa đại dịch COVID-19, hầu hết doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ dòng tiền dừng đột ngột, nhưng nhóm gặp nguy hiểm nhất là những pháp nhân đang ngập trong nợ nần, hay còn gọi là "xác sống". Các công ty này kiếm tiền thậm chí không đủ để trả lãi vay, và tồn tại chỉ nhờ đi vay nợ mới.
Nếu khủng hoảng bùng lên, nhiều khả năng nó sẽ bắt đầu bằng chuỗi vỡ nợ của các tập đoàn, công ty "xác sống" kể trên, chuyên gia Sharma nhận định.
Hơn một thế kỷ qua, những đợt suy thoát hầu như luôn bắt đầu sau một giai đoạn lãi suất duy trì ở mức cao. Nên có thể nói đây là một thời điểm nhạy cảm: đại dịch COVID-19 đánh vào mọi lĩnh vực, ngành nghề đúng vào lúc kinh tế thế giới đang gánh các mức nợ kỷ lục.
Các ngân hàng trung ương khắp thế giới thừa hiểu khủng hoảng tiền mặt sẽ dẫn đến một sự kiện tương tự năm 2008. Đây là lý do FED, và cả châu Âu, đưa ra một loạt biện pháp mạnh những ngày qua. Mỹ thậm chí còn đề xuất phát không tiền cho dân xài để kích cầu tiêu dùng.
Nhưng nhìn cách thị trường phản ứng có thể thấy hiệu quả của các giải pháp cấp chính phủ vẫn còn rất hạn chế. 
Câu hỏi đặt ra: Tại sao có cảm giác hệ thống tài chính hiện nay quá dễ tổn thương?
 
Cả nước Ý đang bị phong tỏa vì virus gây đại dịch COVID-19 - Ảnh: AFP
Khoảng năm 1980, nợ thế giới bắt đầu tăng nhanh khi lãi suất hạ nhiệt, những nới lỏng trong quy định tài chính khiến việc cho vay trở nên dễ dàng. Vào đêm trước cuộc khủng hoảng 2008, quy mô nợ chạm mức kỷ lục, hơn gấp 3 lần so với giá trị thật của kinh tế toàn cầu.
Nợ có giảm trong năm đó, nhưng lãi suất thấp kỷ lục nhanh chóng châm ngòi một đợt sóng đi vay mới. Chính sách tiền tệ dễ dãi của FED và của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới khi đó nhằm giữ cho kinh tế tăng trưởng, kích thích phục hồi sau khủng hoảng.
Tuy nhiên, phần lớn số tiền đó không phục vụ sản xuất mà dồn hết vào kinh tế tài chính, bao gồm chứng khoán, trái phiếu, tín dụng giá rẻ dành cho các công ty làm ăn không hiệu quả... 
Cứ thế sau từng năm, sự lỏng lẻo trong chính sách cho vay dẫn đến quy mô nợ toàn cầu đạt đến mức kỷ lục như hiện nay.
Nợ của khối doanh nghiệp Mỹ hiện chiếm 75% GDP cả nước, vượt qua kỷ lục năm 2008. Trong nhóm các doanh nghiệp lớn, nợ nhiều nhất nằm ở các lĩnh vực gồm ôtô, nhà hàng, khách sạn, du lịch, vận tải... - oái oăm thay lại là các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch COVID-19 hiện nay.
Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tỉ lệ doanh nghiệp "xác sống" chiếm 16% tổng số doanh nghiệp niêm yết ở Mỹ, còn ở châu Âu là hơn 10%. Nhóm này chiếm tỉ trọng lớn trong các ngành công nghiệp như khai thác mỏ, than, và dầu khí.
Riêng ở Trung Quốc, các dữ liệu về bán lẻ và đầu tư mới công bố cho thấy kinh tế quốc gia này sẽ giảm trong quý 1/2020. Trong 10 năm qua, nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tăng 4 lần lên hơn 20 ngàn tỉ USD. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) ước tính 1/10 số nợ này nằm trong các công ty "xác sống", vốn tồn tại chỉ nhờ vào đồng tiền vay từ nhà nước.
Các dấu hiệu căng thẳng nợ hiện đã bộc lộ trong các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, nhưng tệ nhất có lẽ là dầu khí. 
Lo lắng về nhu cầu giảm (do dịch bệnh) và cuộc chiến giành thị phần của các "đại gia" đẩy giá dầu xuống dưới mức 35 USD/thùng - quá thấp để nhiều công ty có đủ khả năng trả nợ và lãi.
Dù thế giới xưa nay chưa chứng kiến trận suy thoái nào do virus gây ra, nhưng COVID-19 lại là một đại dịch trăm năm xảy ra một lần. 
Tác động trực tiếp của nó lên hoạt động kinh tế sẽ bị phóng đại nhiều lần không chỉ do nợ xấu, mà còn là bởi sự sụp đổ của các công ty niêm yết trên thị trường tài chính vốn bị thổi quá mức.
Một khi thị trường "toang", hàng triệu nhà đầu tư sẽ thắt chặt hầu bao, dẫn đến nền kinh tế chậm lại. Thị trường càng lớn so với tương quan nền kinh tế, tác động tiêu cực này sẽ càng lớn.
Nguy cơ "đại dịch tài chính" đang ở rất gần.
Phúc Long (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.