Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn: Kỳ vọng đột phá trong sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối tháng 3-2017, Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn đã hoàn tất quá trình cổ phần hóa. Việc thay đổi mô hình tổ chức hoạt động là yêu cầu tất yếu và cũng là động lực mạnh mẽ để đưa thương hiệu Chè Bàu Cạn-CATECKA ngày một vươn xa...

Thu hoạch chè.
Thu hoạch chè.

Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực chè-cà phê thực hiện xong cổ phần hóa đầu tiên ở Gia Lai. Kết quả này đánh dấu tiến trình hơn 2 năm thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh; đồng thời cho thấy nỗ lực thay đổi, thích ứng từ phía doanh nghiệp trong xu thế đổi mới, hội nhập.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu thành lập Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty đã công khai trước nhà đầu tư chiến lược và  46 cổ đông đại diện người lao động các bước chuẩn bị từ năm 2015 như: kiểm kê tài sản, đo đạc lại đất đai; xây dựng đề án sắp xếp đổi mới, lựa chọn nhà tư vấn tài chính, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Năm 2016, tỉnh quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án lao động, phương án sử dụng đất, phương án cổ phần hóa; công bố thông tin ra thị trường. Đến tháng 1-2017, Công ty đã hoàn tất việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng; tháng 2-2017 hoàn tất việc bán đấu giá cổ phần ưu đãi cho người lao động và bán cổ phần thỏa thuận. Tổng số cổ phần được bán ra là 10.897.600 cổ phần, toàn bộ tiền bán cổ phần (108,131 tỷ đồng) được chuyển vào tài khoản phong tỏa theo quy định. Kết thúc Đại hội đồng cổ đông, Công ty tiếp tục hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký con dấu và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2017. “Đây là bước ngoặt quan trọng và rất có ý nghĩa đối với quá trình hoạt động, phát triển của Công ty Chè Bàu Cạn”-bà Nguyễn Thị Tuyết Nga-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá. Trong phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông-lâm nghiệp của tỉnh có 11 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và 3 công ty TNHH một thành viên nông nghiệp (2 công ty chè, 1 công ty cà phê) thì Công ty Chè Bàu Cạn về đích đầu tiên trong tiến trình cổ phần hóa. Với mô hình này, việc huy động nhiều nguồn vốn đầu tư cộng với sự giám sát chặt chẽ của cổ đông là động lực để Công ty hoạt động hiệu quả hơn.

Hợp tác và hỗ trợ lâu dài cho Công ty, tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà máy với công nghệ hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tiếp tục sử dụng đội ngũ lao động, quỹ đất hiện có là những cam kết quan trọng của nhà đầu tư chiến lược sau cổ phần hóa. Bên cạnh định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 3 năm (2017-2019), bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn cho rằng, trên nền tảng đoàn kết, thống nhất từ người lao động, ban lãnh đạo sẽ tạo sự đột phá, sức sống mới cho Công ty. Mục tiêu trước mắt và lâu dài là áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nhằm gia tăng giá trị sản phẩm trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như tăng đóng góp cho ngân sách địa phương...

 Sơn Ca

Theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2017-2019, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn tập trung sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ yếu như chè búp tươi, chè khô, cà phê, điện; phấn đấu đạt doanh thu 46,072-52,472 tỷ đồng; tiền lương người lao động bình quân 5,7-6 triệu đồng/tháng.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.