Con đường hoa sim ở Thánh địa Mỹ Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dễ chừng hơn mười năm nay tôi mới trở lại Mỹ Sơn. Vào năm 1885, Khu di tích được phát hiện ra, chìm khuất trong cỏ cây. Năm 1995 được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới - cũng từ đó, nơi này trở thành điểm đến của mọi người trong cuộc hành trình đến Quảng Nam.

Nếu nhiều năm trước, con đường vào thử thách đôi chân, thì bây giờ đã có xe tuk tuk từ ngoài cổng chở bạn vào, con đường vào Mỹ Sơn đẹp, bóng cây che. Tuy nhiên, bạn sẽ phải đi bộ thêm cả cây số mới đến những đền đài thầm lặng kia, nơi được gọi là thánh địa. Thánh địa Mỹ Sơn có niên đại từ khoảng thế kỷ IV dưới thời đại vua Phạm Hồ Đạt, là nơi dùng để thờ cúng thần Linga và Shiva. Sau hai thế kỷ tiếp theo, ngôi đền bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn lớn. Và tới thế kỷ VII, vua Phạm Phạn Chi đã cho xây lại các ngôi đền - di tích còn tồn tại đến ngày nay.

Con đường đi vào Mỹ Sơn bây giờ tráng xi măng, đi êm ái, vẻ đẹp tăng lên khi ven con đường là những cây hoa sim. Mùa này, hoa sim đang đơm hoa kết trái. Nhưng để có một con đường hoa sim dài cả cây số trên đường vào Thánh địa Mỹ Sơn chắc chắn người gây dựng đã tốn biết bao nhiêu công sức.

Hai bên đường là hoa sim.

Hai bên đường là hoa sim.

Hoa sim được biết đến trong âm nhạc, “Chiều hành quân qua những đồi sim tím chiều hoang biền biệt”, câu hát ấy thật chạnh lòng nói về một cuộc tình. Còn tôi, trong cuộc hành trình đây đó, từng gặp những triền núi hoa sim nở, từng gặp màu tím ấy trong những ngày nắng đẹp hay đôi khi trong những cơn mưa.

Năm ngoái, đi Phú Quốc, nơi nổi danh với các đặc sản về sim, tôi đã thuê hẳn một anh xe ôm chở tôi đi chỉ để ngắm những đồi sim huyền thoại ở hòn đảo này. Sim trở thành một loại đặc sản ở Phú Quốc, những đồi sim là nơi khách tham quan, sau đó mua rượu sim, mật sim, bánh kẹo sim và cửa hàng sẽ ship tận nhà theo yêu cầu.

Mỹ Sơn lại khác, dẫu không tráng lệ như Angkor Wat ở Campuchia, chỉ đi một vài tiếng đồng hồ là tận tường khu vực, những kiến trúc bị tàn phá bởi thời gian đang được phục dựng lần lần. Nhưng con đường hoa sim có thể nói không phá cảnh quan, mà tạo thêm sức hút cho nơi này.

Chỉ một cây số đi bộ mới đến chỗ xe tuk tuk, nhưng chính những bóng cây xanh và hoa sim, dường như dẫu mồ hôi đang nhỏ giọt, thấm vào lưng áo nhưng không cảm thấy mệt.

Thánh địa Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn

Chỉ vừa tầm tay, chừng 0,8 m, những cây hoa sim đẹp đẽ đang nở hoa. Màu hoa sim tím nhạt và nhỏ như cánh bướm, có những bông hoa màu trắng đan xen. Hoa như tạo duyên cho con đường, một sắc màu đẹp. Và không ngạc nhiên khi đến chỗ nghỉ ngơi trước khi ra về, chúng tôi lại gặp nơi bán rượu sim Mỹ Sơn. Con đường hoa sim vào những ngôi cổ tháp ngàn năm ngoài việc làm cho khách tìm đến giảm đi sự mệt mỏi, những trái sim chín đã tạo thêm một đặc sản mới cho Mỹ Sơn.

Có thể bạn quan tâm

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Chuyến đi Nhật lần này, tôi được thực hành trà đạo. Nghệ thuật uống trà thì nhiều nước có mà đầu tiên phải nhắc tới Trung Quốc. Tuy nhiên, phải thấy là mặc dù chỉ là người tiếp thu nghệ thuật đó từ người Hoa nhưng người Nhật phát triển nó cao xa thêm nhiều khiến chỉ ở họ mới có Trà Đạo.