(GLO)- Cùng với các huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa và Ia Pa tham gia Dự án hỗ trợ nông nghiệp-nông dân và nông thôn (IFAD), người dân các xã trong vùng dự án của huyện Đak Đoa cũng đã tích cực tham gia quy trình hoạt động của dự án khá hiệu quả. Nhiều chương trình và quỹ đầu tư của dự án đã phát huy tác dụng tốt giúp người dân được hưởng lợi, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Dự án nông nghiệp-nông dân và nông thôn triển khai đã 5 năm tại các xã: Ia Pết, A Dơk, Hà Đông, Kon Gang và xã Trang. Ngay sau khi tham gia dự án, UBND huyện Đak Đoa đã thành lập Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp cấp huyện và 5 Ban Phát triển ở các xã tham gia dự án để thực hiện các chương trình và mục tiêu đặt ra. Trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho bò; kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê cho cán bộ, nông dân điển hình ở các xã. Một trong những nét nổi bật của dự án thu hút nhiều nông dân tham gia là thành lập các nhóm chung sở thích. Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện phối hợp với Hội Nông dân huyện và các xã của Dự án đã thành lập được 95 nhóm chung sở thích (CIG). Trong đó, chủ yếu là các nhóm có thế mạnh phát triển của địa phương như nhóm trồng cà phê (54 nhóm), nhóm nuôi bò (18 nhóm), nhóm nuôi heo (8 nhóm), nhóm trồng bời lời…
Ông Byin-thành viên Ban Phát triển xã A Dơk cho hay: Sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay bà con ở các làng tham gia dự án thấy được lợi ích thiết thực, nhiều nhóm hộ hưởng ứng bằng các hoạt động như đóng góp tiền tiết kiệm, vốn đối ứng. Bên cạnh đó, phương thức người biết làm ăn hoặc hộ khá giả giúp những hộ nghèo áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất; cho vay vốn ưu đãi phát huy khá tốt. Riêng trong năm 2015, 20 nhóm chung sở thích của xã đã tiết kiệm được trên 40 triệu đồng giúp các hộ nghèo trong nhóm vay mua phân bón, chăn nuôi… Hiệu quả của dự án là rất lớn, giúp các hộ bán sản phẩm với giá cao hơn thị trường; được mua phân bón trả trước giúp bà con yên tâm bán các sản phẩm đúng thời điểm.
Cùng với các nhóm chung sở thích, các quỹ của dự án cũng giúp người dân và chính quyền các xã thực hiện đúng quy trình phát huy hiệu quả rất lớn. Đến nay, quỹ đầu tư CDF đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, như làm đường giao thông nông thôn, kênh mương, cầu máng dẫn nước… Quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG), quỹ quay vòng vật tư đã có 25 nhóm nhận tài trợ.
Ông Lê Thanh Bình-Phó Trưởng ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện Đak Đoa cho biết thêm: Khác với các chương trình, dự án trước đây, Dự án nông nghiệp-nông dân và nông thôn (IFAD) mang lại hiệu quả thiết thực. Thường thì khi dự án kết thúc nguồn vốn cũng khó duy trì theo nhưng riêng Dự án IFAD thì ngược lại, duy trì hỗ trợ cho nhóm, sau đó nhóm bình xét và hỗ trợ lại cho các hộ nghèo bằng vật tư sản xuất, tới kỳ thu hoạch hoàn trả cho nhóm để tiếp tục cho hộ khác vay. Việc tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho nông dân không mời tới hội trường mà đưa tới các vườn cây, chuồng trại chăn nuôi… để người dân tiếp cận thực tế. Đặc biệt, khi tham gia dự án, các nhóm có ý thức tiết kiệm hơn, các quỹ vay vòng vật tư hoạt động hiệu quả. Một trong những thuận lợi là sự hỗ trợ của Ban Điều phối dự án (PCU) của tỉnh và UBND huyện. Ban thường xuyên kiểm tra và hỗ trợ cho các Ban Phát triển các xã trong thực hiện các chương trình. Tham gia dự án, người dân các xã đã có ý thức vươn lên thoát nghèo thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn của Hội Phụ nữ, các nhóm chung sở thích.
Dự án nông nghiệp-nông dân và nông thôn đã và đang tạo ra sự thay đổi lớn trong nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ này, bộ mặt nông thôn ở các xã hưởng lợi từ dự án đang có sự thay đổi tích cực. Đây chính là mục tiêu mà Dự án nông nghiệp-nông dân và nông thôn hướng tới.
Nguyễn Hồng