Chuyên gia Nhật Bản chỉ ra thách thức của kinh tế Việt Nam hiện nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giáo sư Ikebe Ryo, Đại học Senshu Nhật Bản, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên TTXVN đã chỉ ra 4 thách thức lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt.
Dây chuyền sản xuất giày, dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Midori Safety Footwear Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất giày, dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Midori Safety Footwear Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có trong một thế giới chuyển đổi nhanh chóng, cùng với một loạt thách thức lớn, từ căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ-Trung Quốc, tình trạng trì trệ thương mại, gánh nặng nợ khổng lồ, đến biến đổi khí hậu, mặt trái của công nghệ, cũng như các điểm nóng xung đột toàn cầu.
Về những thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới, giáo sư Ikebe Ryo, Đại học Senshu Nhật Bản, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên TTXVN đã chỉ ra 4 thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt gồm nguy cơ trở thành quốc gia ma sát thương mại với Mỹ, phi công nghiệp hóa sớm, không tham gia được vào chuỗi sản xuất công nghiệp hóa và không nắm bắt thực sự được ngành công nghiệp ôtô.
Về nguy cơ ma sát thương mại với Mỹ, giáo sư Ikebe cho biết Việt Nam thập niên 1990 với đường lối Đổi mới đã mở rộng thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài giúp nền kinh tế phát triển nhanh chóng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ năm 1990 đến năm 2018 đạt 6,8%, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 533 lần từ 240 triệu USD của năm 1990, lên 129,5 tỷ USD năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 là 215,1 tỷ USD, tăng gấp 15 lần so với năm 2000. Trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới cùng thời gian này chỉ tăng 2,7 lần.
Theo giáo sư, Việt Nam đã xây dựng nền tảng cho sự phát triển hết sức thuận lợi thông qua hoạt động gia công xuất khẩu của các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung hiện nay, những vấn đề mới bắt đầu phát sinh. Các ngành công nghiệp gia công tập trung lao động chủ yếu như đồ gia dụng, quần áo, sản phẩm nhựa, giày dép... khả năng cao sẽ chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trong các nước thâm hụt thương mại lớn đối với Mỹ, Việt Nam đang đứng thứ 6, sau các nước lần lượt là Trung Quốc, Mexico, Đức, Nhật Bản, Ireland. Theo ông, Việt Nam-chiếm 4,5% thâm hụt thương mại của Mỹ, có thể trở thành một quốc gia ma sát thương mại với Mỹ và điều đó đã được nhìn thấy từ trường hợp Trung Quốc.
Đối mặt với nguy cơ trên, giáo sư Ikebe đưa ra giải pháp Việt Nam cần thúc đẩy các ngành đòi hỏi nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên sâu, cùng nguồn vốn đầu tư mới. Đây là yếu tố không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam.
Giáo sư cho rằng thời điểm hiện tại, việc thúc đẩy những ngành công nghiệp gia công, lắp ráp tập trung lao động không phải là xu hướng thượng sách của Việt Nam.
Về thách thức đối với “phi công nghiệp hóa sớm,” giáo sư Ikebe giải thích nhìn từ góc độ kinh tế học, công nghiệp hóa chính là giai đoạn giúp các nước vươn tới là một nền kinh tế phát triển.
Trong quá trình công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế sẽ có sự chuyển đổi từ sản xuất nông, lâm nghiệp sang sản xuất công nghiệp, từ các ngành công nghiệp sang dịch vụ. Các quốc gia trải qua giai đoạn này phải đạt được tiến bộ kỹ thuật, cải thiện năng suất lao động và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Giáo sư Ikebe cho rằng tại Việt Nam, quá trình trên cũng đang diễn ra, lao động dư thừa ở khu vực nông nghiệp chuyển đổi sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, song song với đó là duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong đó, giai đoạn đầu là sự phát triển của loại hình sản xuất tập trung lao động và Việt Nam đang ở giai đoạn này. Ông cho rằng Việt Nam có thể chuyển đổi sang các lĩnh vực cốt lõi của công nghiệp hóa là công nghiệp công nghệ cao gia tăng giá trị (như ôtô, điện tử…) hay không vẫn còn ở phía trước.
Theo giáo sư, tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào các ngành công nghiệp dành cho xuất khẩu do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Ví dụ hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc đang có quy mô chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Samsung là đại diện cho loại hình doanh nghiệp gia công xuất khẩu quy mô lớn. Tuy nhiên, đây là yếu tố không bền vững, bởi nếu chi phí lao động tăng, các doanh nghiệp nước ngoài kiểu này sẽ ít có lợi ích khi đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam và xu hướng dịch chuyển sang nước khác hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong bối cảnh chưa đạt được công nghiệp hóa một cách hoàn toàn, quá trình công nghiệp hóa kết thúc không còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trọng tâm sản xuất đã dịch chuyển từ công nghiệp sang dịch vụ, trong khi thu nhập quốc dân vẫn ở mức thấp. Hiện tượng này được gọi là “phi công nghiệp hóa sớm.”
Ông Ikebe nhận định đây là vấn đề mới mà Việt Nam đang trực tiếp phải đối mặt. Về tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hóa, các công ty trong nước sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất này như thế nào trong bối cảnh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang thực hiện sản xuất quy mô lớn phục vụ xuất khẩu. Đây chính là vấn đề của ngành công nghiệp phụ trợ.
Giáo sư Ikebe cho rằng Việt Nam phải thực sự tham gia vào chuỗi sản xuất, nếu không làm được điều này, khi các doanh nghiệp nước ngoài dời nhà máy sang nước khác, công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ hoàn toàn thất bại.
Vì vậy, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như tạo khuôn, chế tạo các tấm kim loại, mạ, xử lý bề mặt kim loại… là cực kỳ quan trọng. Đây có thể nói là vấn đề cấp bách ở Việt Nam.
Về nắm bắt ngành công nghiệp ôtô - một trong những lĩnh vực then chốt của quá trình công nghiệp hóa, Giáo sư Ikebe cho biết ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam trong 25 năm qua với các sản phẩm chủ yếu đến từ những doanh nghiệp của Nhật Bản.
Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển ngành công nghiệp này và việc tạo ra một chiếc ôtô đủ khả năng cạnh tranh khi thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN đã về “0” như hiện nay là rất khó.
Dẫn chứng cụ thể, số lượng xe sản xuất trong nước năm 1995 của Việt Nam là 3.500 chiếc, đến năm 2018 tăng lên 260.000 chiếc. Dù vậy, quy mô vẫn còn rất nhỏ. Năm 2018, Việt Nam đã phải nhập khẩu tới 81.800 ôtô các loại từ các nước ASEAN, chưa kể những khu vực khác.
Gần đây, tập đoàn Vingroup của Việt Nam đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ôtô, xây dựng một thương hiệu ôtô hoàn toàn Việt Nam, với số vốn lên tới gần 3,7 tỷ USD. Vingroup đặt mục tiêu sản xuất 500.000 xe/năm đến năm 2025.
Dù vậy, hiện tại có thể nói chưa thể đánh giá được chắc chắn triển vọng phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Tuy nhiên, đây là hình ảnh tích cực cho công nghiệp hóa tại Việt Nam.
Thành Hữu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Chỉ hơn 1,7 tỷ đồng, bạn có thể sở hữu mẫu xe thuần điện đầu tiên của Volvo tại Việt Nam

Chỉ hơn 1,7 tỷ đồng, bạn có thể sở hữu mẫu xe thuần điện đầu tiên của Volvo tại Việt Nam

(GLO)- Hãng xe an toàn nhất thế giới vừa cho ra mắt chiếc xe thuần điện Volvo EC40, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của hãng. Với thiết kế hiện đại, công nghệ tiên tiến, và hiệu suất vượt trội, EC40 là đối thủ đáng gờm trong phân khúc xe điện hạng sang.

Aprilia RS 660: “Tinh hoa” trong làng sportbike tầm trung, giá khởi điểm từ 485 triệu đồng

Aprilia RS 660: “Tinh hoa” trong làng sportbike tầm trung, giá khởi điểm từ 485 triệu đồng

(GLO)- Sở hữu khối động cơ 659cc mạnh mẽ cùng những công nghệ tiên tiến, Aprilia RS 660 không chỉ mang đến trải nghiệm lái phấn khích mà còn thể hiện sự vượt trội về hiệu suất trong tầm giá. Hiện chiếc xe này đang được bán với giá khởi điểm từ 485 triệu đồng.

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

CBR1000RR-R Fireblade: Siêu phẩm thể thao với sức mạnh vô song có giá bán trên 950,5 triệu đồng

(GLO)- Chiếc xe mơ ước của các tín đồ đam mê tốc độ với những cải tiến đột phá, nâng tầm hiệu suất vượt trội của hãng Honda. Từ thiết kế mạnh mẽ, Fireblade không chỉ là một chiếc xe, mà còn là biểu tượng của sự tinh tế trong ngành công nghiệp mô tô thể thao.

Kawasaki Ninja ZX-10R: Siêu phẩm tốc độ chinh phục mọi đường đua có giá niêm yết 729 triệu đồng

Kawasaki Ninja ZX-10R: Siêu phẩm tốc độ chinh phục mọi đường đua có giá niêm yết 729 triệu đồng

(GLO)- Kawasaki Ninja ZX-10R là mẫu sportbike đỉnh cao, được trang bị công nghệ hiện đại và sức mạnh vượt trội từ đường đua MotoGP. Với thiết kế khí động học cùng hiệu suất đáng kinh ngạc, đây là lựa chọn hàng đầu dành cho những tín đồ đam mê tốc độ và trải nghiệm đua xe chuyên nghiệp.