Xác định những giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc chỉ ra các hạn chế kìm hãm quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Hiệu lực, hiệu quả của chương trình hành động, trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc của các địa phương để thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng... là những nội dung chủ yếu được đưa ra thảo luận tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng diễn ra sáng 2/8 tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên thảo luận. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên thảo luận. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)



Còn 5 tồn tại

Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết 05) và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 24), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21 tháng 2 năm 2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 2 Nghị quyết nêu trên (Nghị quyết 27).

Tại Báo cáo sơ kết kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; định hướng, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2018-2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp cho thấy, Nghị quyết 27 về chương trình hành động của Chính phủ đã giao 16 nhóm nhiệm vụ với 120 nhiệm vụ cụ thể. Tiếp theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các kế hoạch hành động triển khai, tổ chức thực hiện và theo dõi, giám sát các nhiệm vụ đã được giao; gửi kết quả báo cáo sơ kết tình hình về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đánh giá sơ bộ cũng cho thấy, có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng, 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng, và 16,7% nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa triển khai. Các nhóm định hướng, chính sách lớn có tỷ lệ nhiệm vụ đạt kết quả rõ ràng ở mức cao bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô (66,7% số nhiệm vụ), cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (62,5% số nhiệm vụ), hoàn thiện thể chế kinh tế (35,7%) và cơ cấu lại đầu tư công (khoảng 33,3%).

Các nhóm định hướng, chính sách lớn có tỷ lệ nhiệm vụ đạt kết quả rõ ràng ở mức thấp bao gồm: đổi mới cách thức liên kết giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng; cơ cấu lại các ngành công nghiệp; và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Một số nhiệm vụ được thực hiện chậm so với tiến độ được giao, một số nhiệm vụ xin lùi thời hạn, một số nhiệm vụ được thực hiện đúng thời hạn nhưng chưa tạo ra được các đột phá chính sách và có tác động rõ ràng trên thực tế.

Các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế mang tính liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn trong việc phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai, theo dõi và giám sát. Đó là các nhiệm vụ như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp, hoàn thiện và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, sự lan tỏa về cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế còn yếu và chưa đồng đều. Các bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc đề xuất về cải cách cơ chế, chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Một vấn đề nữa là việc thực hiện chế độ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao còn một số hạn chế. Hết thời hạn báo cáo năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nhận được báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng thời, chất lượng báo cáo chưa đạt yêu cầu; chưa đánh giá được chất lượng tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong phạm vi trách nhiệm quản lý.


 

 Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy). Ảnh minh họa.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Bokwang Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy). Ảnh minh họa.



7 giải pháp trọng tâm

Theo kết quả đánh giá định lượng các tác động tới nền kinh tế, việc đạt được các mục tiêu đã đề ra về chuyển dịch nguồn lực và cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2018-2020 sẽ dẫn tới cải thiện mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về cơ cấu lại nền kinh tế sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế trong giai đoạn 2018 -2025.

Theo đó, trong kịch bản cơ sở, với việc hoàn thành các mục tiêu về cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ vượt đáng kể mục tiêu đề ra, trung bình đạt 7,47%/năm giai đoạn 2018-2020 và duy trì tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn 2021 -2025. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2018-2025 sẽ dựa phần lớn vào tăng trưởng TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp).

 

TFP là một chỉ tiêu quan trọng được sử dụng trong nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế. Do đó, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP tương ứng đạt 35,11% năm 2018 và 44,27% năm 2020. Nợ công giảm nhanh hơn, còn 58,28% GDP vào năm 2020. Nếu theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nghị quyết 05, Nghị quyết 24 và các văn bản có liên quan xác định 59 mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cần hoàn thành đến năm 2020. Đánh giá sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết năm 2020, nếu không có các biện pháp tổ chức thực hiện toàn diện và quyết liệt hơn, sẽ có 25% mục tiêu dự kiến hoàn thành, 34% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 41% mục tiêu khó hoàn thành.

Trên cơ sở Quyết định số 1688/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cần quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức thực hiện mạnh mẽ và thực chất các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế của các bộ, ngành, địa phương.

Căn cứ vào tiến độ thực hiện và khả năng hoàn thành các mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương tiến hành nghiên cứu và đệ trình Đề án về các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 trình Chính phủ.

Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế trong năm 2018-2020 được Ban Chỉ đạo đưa ra tại phiên họp bao gồm 7 nhiệm vụ cơ bản.

Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, cắt giảm điều kiện kinh doanh và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; trong đó đặc biệt lưu ý đến tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện luật pháp liên quan về đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất. Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ các giới hạn, khống chế về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; nâng đến mức đáng kể hoặc xóa bỏ hạn điền sử dụng, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp đồng thời, đánh thuế lũy tiến đối với đất bị bỏ hoang, đất không sử dụng như mục đích đã định.

Thứ ba, tập trung xây dựng chính sách phát triển các ngành kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, xác định mục tiêu rõ ràng về tăng năng suất và hiệu quả của các ngành. Trước mắt tập trung một số ngành như du lịch, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ ôtô và nông nghiệp công nghệ cao. Có thể hình thành dưới dạng Chương trình phát triển ngành với các mục tiêu và lộ trình định hướng cụ thể về gia tăng năng suất và định vị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sắp xếp, tổ chức và điều phối lại hàng loạt các chính sách hỗ trợ phân tán và thiếu hiệu quả đối với phát triển ngành hiện nay nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển ngành cụ thể như trên, tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng cách hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án. Tập trung đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, gắn chặt với các ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế.

Thứ năm, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, đồng thời có những biện pháp cụ thể để nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN. Với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ giao các chỉ tiêu bắt buộc đối với các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước về các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như nâng cao tỷ suất lợi nhuận trên vốn.

Thứ sáu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính.

Thứ bảy, cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cuối cùng, tiền đề của các nhóm giải pháp trên là Chính phủ cần có những biện pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và thuận lợi cho cơ cấu lại nền kinh tế và tăng năng suất trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Các giải pháp chính sách thuộc nhóm này bao gồm cơ cấu lại ngân sách nhà nước; trong đó tập trung quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước; điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, nhất là chính sách điều chỉnh các loại giá, phí do nhà nước quản lý đồng thời rà soát, gỡ bỏ rào cản về thể chế, chính sách đối với khai thác tài nguyên số và nền kinh tế số hóa.

Bổ sung các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn những năm tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô đã đạt được; đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ cho tái cơ cấu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, cần có chiến lược, chính sách, công cụ phát triển phù hợp cho các đô thị; tăng cường thể chế về liên kết vùng; các chỉ số về chất lượng tăng trưởng…

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng 126%

Kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng 126%

(GLO)- Trang thông tin điện tử tổng hợp soha.vn dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 1-2024, Việt Nam đã xuất khẩu 65.142 tấn hạt điều, trị giá 351,2 triệu USD (tăng 139,4% về lượng và tăng 126% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).