Chư Pưh kiên quyết phá bỏ lò đốt than trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, hoạt động của các lò đốt than trái phép trên địa bàn huyện Chư Pưh, Gia Lai đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Trước tình trạng trên, lực lượng Kiểm lâm huyện đã tăng cường kiểm tra, kiên quyết phá bỏ các lò đốt than này.
Huyện Chư Pưh có gần 12.000 ha rừng tự nhiên. Những năm gần đây, lợi dụng địa hình rừng núi phức tạp, hiểm trở và sự lơi lỏng của lực lượng chức năng, nhiều người dân đã xây dựng lò đốt than trái phép ở gần bìa rừng. Các lò đốt than chủ yếu được xây dựng thủ công bằng đất. Trung bình 1 ngày, mỗi lò đốt than có thể đốt khoảng 1-3 ster củi. Khi đốt than, khói bay mịt mù, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài nguyên liệu là củi trong vườn, gốc cà phê thì nhiều lò đốt than còn sử dụng cả cây rừng tự nhiên.  
 Lực lượng Kiểm lâm huyện Chư Pưh phá bỏ lò đốt than xây dựng trái phép. Ảnh: N.T
Lực lượng Kiểm lâm huyện Chư Pưh phá bỏ lò đốt than xây dựng trái phép. Ảnh: N.T
Ông Phạm Văn Đạo-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh-cho biết: Huyện Chư Pưh nằm giáp ranh nhiều địa phương như: Phú Thiện, Chư Prông (tỉnh Gia Lai), huyện Ea Hleo, Ea Súp (tỉnh Đak Lak) với nhiều dân di cư tự do. Lực lượng Kiểm lâm thì mỏng trong khi địa bàn quản lý bảo vệ rừng rất rộng nên gây nhiều khó khăn trong công tác phát hiện các lò đốt than trái phép. Đặc biệt, các lò đốt than thường hoạt động về đêm, khi bị phát hiện thì các đối tượng bỏ chạy, không nhận lò đốt than do mình xây dựng. Nhiều đối tượng thậm chí còn manh động gây ra rất nhiều khó khăn và nguy hiểm đối với cán bộ giữ rừng.
Trong năm 2017, huyện Chư Pưh đã phát hiện và phá bỏ 109 lò đốt than trái phép, tập trung tại xã Ia Le (81 lò) và xã Ia Hla (27 lò)... Các lò đốt than này đều được xây dựng khá kiên cố và sử dụng gỗ củi rừng tự nhiên làm nguyên liệu. Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho hay: “Xã Ia Le là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của huyện với gần 1.900 ha rừng tự nhiên. Xã cũng nằm giáp ranh với huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak), người dân còn nghèo nên đa số vào rừng kiếm củi đốt than, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng”.
Để phá bỏ triệt để các lò đốt than trái phép, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng, năm 2018, UBND huyện Chư Pưh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và các ngành chức năng, chủ rừng và các địa phương trong huyện triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: tăng cường công tác tuần tra kiểm soát địa bàn; tổ chức truy quét, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các hành vi cố ý vi phạm, xây dựng lò đốt than trái phép, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Huyện đã thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, phá bỏ các lò đốt than trái phép; đồng thời tuyên truyền cho người dân về tác hại của các lò đốt than bằng cây rừng đối với tài nguyên rừng và môi trường sống. Ông Siu Kok (làng Kênh Săn, xã Ia Le) cho biết: “Tôi cùng người dân trong làng được tuyên truyền về tác hại của việc chặt cây rừng làm nguyên liệu đốt than. Vì vậy, dân làng không còn vào rừng chặt cây, làm lò đốt than nữa”.
Nhờ chính quyền và ngành chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp, trong năm 2018, số lò đốt than trái phép trên địa bàn huyện Chư Pưh đã giảm đáng kể. Qua kiểm tra, trên địa bàn huyện còn 47 lò đốt than trái phép. Các lò đốt than này đều đã bị ngành chức năng phá bỏ. “Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường bám nắm địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm; phối hợp với các địa phương giáp ranh để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền cho người dân không xây dựng lò đốt than trái phép nhằm bảo vệ rừng, môi trường sống. Nếu phát hiện trường hợp cố ý vi phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý”-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh cho hay.
Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm