Chơi nhấn đầu xuống nước khi bơi, thiếu niên 14 tuổi bị phù phổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lúc nô đùa dưới nước với hai người bạn tại một hồ bơi ở huyện Bình Chánh, thiếu niên 14 tuổi vô tình bị bạn nhấn xuống nước liên tục, ngạt nước 5 phút, gây phù phổi, không còn thở.
 
Em Ph. bị ngạt nước, phù phổi do hai người bạn liên tục nhấn chìm xuống nước - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Em Ph. bị ngạt nước, phù phổi do hai người bạn liên tục nhấn chìm xuống nước - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tối 27-10, BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết em L.N.N.Ph. (14 tuổi, nam, ngụ quận Bình Tân) đã vượt qua nguy kịch sau điều trị tích cực vì bị ngạt nước.
Trước đó, Ph. cùng với hai người bạn trạc tuổi đến một hồ bơi ở huyện Bình Chánh để tắm, bơi. Trong lúc nô đùa dưới nước, hai người bạn này vô tình nhấn liên tục Ph. xuống nước đến bất tỉnh.
Cứu hộ viên hồ bơi phát hiện sự việc sau 5 phút em Ph. bị nhấn chìm. Khi đưa lên bờ, Ph. đã trong tình trạng tím tái, không thở. 
Ph. được cứu hộ viên hô hấp nhân tạo, ấn tim, thổi ngạt, đồng thời gọi cấp cứu 115. Khoảng 10-15 phút, đội cấp cứu 115 có mặt tại hồ bơi, tiến hành đặt nội khí quản giúp thở, thiết lập đường truyền, hồi sức tim phổi cho em Ph..
Ph. có tim đập trở lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố cùng ngày. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận em bị hôn mê, tím tái, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, co gồng từng cơn, phù phổi cấp, bọt hồng trào ra ống nội khí quản.
Ph. được xử trí thở máy, chống co giật, đặt ống thông đo huyết áp xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm để hướng dẫn sử dụng thuốc vận mạch, điều chỉnh nước điện giải và cho kháng sinh điều trị viêm phổi hít.
Tuy nhiên tình trạng sức khỏe em Ph. vẫn còn diễn tiến nặng nên tiếp tục phải hồi sức hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, chống co giật, chống phù não. Sau 5 ngày hồi sức tích cực, Ph. đã tỉnh táo, cai máy thở, chuyển khoa hô hấp tiếp tục hỗ trợ kháng sinh, điều trị viêm phổi.
Chia sẻ với bác sĩ, Ph. cho biết trong lúc nô đùa dưới nước đã bị hai người bạn nhấn xuống nước liên tục và sau đó không hay biết gì nữa. 
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh không nên cho trẻ đi bơi một mình khi không có người lớn đi cùng và cần cho trẻ học bơi để tự bảo vệ mình.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm, phần lớn các nạn nhân bị ngạt nước tử vong hoặc di chứng não là do bệnh nhân không được sơ cứu đúng cách như: dành nhiều thời gian cho việc xốc nước, nạn nhân không được cấp cứu thổi ngạt, ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển tới cơ sở y tế, dẫn đến não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, gây di chứng não nặng nề, thậm chí tử vong. 
XUÂN MAI (TTO)

Có thể bạn quan tâm