Chơi gì khi trốn nóng ở Pù Luông mùa lúa chín?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mùa hè đến Pù Luông, Thanh Hóa không chỉ có những đồng lúa chín vàng. Du khách trốn nóng còn trải nghiệm vô số điều thú vị nơi thung lũng hoang sơ này.

Hè đến, thay vì chọn những bãi biển đông đúc, du khách có thể thử cảm giác trốn nóng bằng "điều hòa thiên nhiên" khi đến với Pù Luông, Thanh Hóa. Chuyến nghỉ dưỡng ở Pù Luông mùa lúa chín không thể thiếu những trải nghiệm tham quan, khám phá bản làng, thiên nhiên...

Tỉnh giấc giữa thung lũng xanh mượt, du khách có thể hít hà không khí mát lành buổi sáng, xen lẫn trong gió là hương lúa chín từ những thửa ruộng bậc thang. Ảnh: Pù Luông Retreat

Tỉnh giấc giữa thung lũng xanh mượt, du khách có thể hít hà không khí mát lành buổi sáng, xen lẫn trong gió là hương lúa chín từ những thửa ruộng bậc thang. Ảnh: Pù Luông Retreat

Dưới đây là những điểm đến du khách nên ghé thăm trong hành trình trốn nóng giữa thung lũng bồng bềnh sương mây giữa mùa hè.

Hang Dơi Kho Mường

Hang dơi Kho Mường thuộc bản Kho Mường, xã Thành Sơn (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), là một trong quần thể hang động trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Hang dơi Kho Mường có các khối đá vôi được hình thành từ khoảng 250 triệu năm trước, hệ thống sông ngầm dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pốn thuộc xã Lũng Cao.

Bên trong hang dơi là những nhũ đá, măng đá đa dạng về kích thước và hình dáng, tạo nên một bức họa đặc sắc của tạo hóa. Trong hang còn có bãi đất trống rất rộng như một sân bóng tự nhiên, xung quanh hang là núi rừng xanh ngút ngàn. Đường từ đỉnh hang xuống đáy hang khá khó đi, nhiều thử thách cho những bạn trẻ muốn khám phá.

Thác Hiêu

Là một trong những dòng thác đẹp nhất Thanh Hóa, thác Hiêu lấy nước từ các đỉnh núi đá cao nên quanh năm có nước chảy. Mùa hè dòng nước trong xanh mát rượi và trở nên ấm áp vào mùa đông. Đến mùa mưa lũ, dòng thác cuộn trào gầm réo và chuyển sang màu trắng đục lạ mắt. Bao quanh bởi cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, thác Hiêu ở Pù Luông có không khí trong lành, dễ chịu quanh năm, là điểm tham quan khá lý tưởng cho du khách muốn thư giãn bên dòng thác rì rầm chảy suốt ngày đêm.

Chợ phiên Phố Đoàn

Chợ Phố Đoàn còn có tên gọi khác là chợ Phố Đòn, vốn là một khu chợ có từ thời Pháp thuộc, nằm ở xã Lũng Niêm, được biết đến là phiên chợ vùng cao độc đáo thu hút du khách khi tới Pù Luông.

Chợ họp vào sáng thứ ba, thứ năm và chủ nhật. Đến với chợ Phố Đoàn, du khách không chỉ mua sắm mà còn được tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, là nơi giao thương mua bán của người dân các xã Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm, Thành Sơn... thuộc huyện Bá Thước.

Người dân thường dậy rất sớm để chuẩn bị hàng hóa mang ra chợ. Ảnh: VCCI Thanh Hóa

Người dân thường dậy rất sớm để chuẩn bị hàng hóa mang ra chợ. Ảnh: VCCI Thanh Hóa

Đến với chợ Phố Đoàn, du khách sẽ rất thích thú với sự phong phú và đa dạng của các mặt hàng được bày bán. Những tấm vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu, bình rượu cần thơm lừng, hoa quả chín mọng nhiều màu sắc, mớ rau rừng tươi ngon. Tất nhiên không thể thiếu những món ăn bản địa độc đáo có một không hai.

Bản Đôn

Bản Đôn là thủ phủ của du lịch Pù Luông, đẹp nhất vào thời điểm tháng 5, 6, 9 và tháng 10 khi mùa lúa chín. Khắp các thửa ruộng bậc thang quanh co bên sườn đồi đều khoác thêm tấm áo mới. Những ngôi nhà sàn gỗ truyền thống, ruộng bậc thang xen giữa bản làng, tất cả tạo nên một bản Đôn duyên dáng, độc đáo và hấp dẫn khách du lịch.

Trước đây người địa phương sinh sống nhỏ lẻ, phân tán không thành bản làng. Dần dà để thuận tiện cho cuộc sống hàng ngày, nguồn nước và sinh hoạt cộng đồng, người dân mới quần tụ thành bản làng. Từ Đôn trong tiếng Thái có nghĩa tụ hợp, và cái tên Đôn được đặt cho bản cho đến ngày nay.

Bản Đôn được quy hoạch và phát triển thành bản du lịch cộng đồng. Ảnh: Pù Luông Retreat

Bản Đôn được quy hoạch và phát triển thành bản du lịch cộng đồng. Ảnh: Pù Luông Retreat

Bản Ươi – Bản Lặn

Bản làng này hiện ra đẹp như một bức tranh với rừng cọ lúp xúp mọc trên dãy núi đá vôi, dưới chân núi là bản làng với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bao quanh. Giữa bản có con suối nước trong vắt, người dân thường xuống tắm sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Bản Lặn nằm sát bản Ươi, ở đây đa số người dân vẫn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống Khác với những bản làng dệt thổ cẩm ở Mai Châu (Hòa Bình) hay Sa Pa (Lào Cai), người dân ở đây dệt thổ cẩm phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân. Gần đây khi phát triển du lịch họ mới dệt để phục vụ cho khách tham quan.

Guồng nước, bè tre suối Chàm

7km từ Pu Luông Retreat - khu nghỉ dưỡng nổi tiếng bậc nhất thung lũng - là suối Chàm, ngay cửa ngõ vào khu bảo tồn thiên nhiên. Đây là dòng suối chính gom nước của toàn bộ khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chảy ra sông Mã, và cũng chính là nơi người Thái sử dụng cọn nước để đưa nước lên ruộng phục vụ sản xuất.

Cứ đến mùa, thanh niên trai tráng trong làng lại lên rừng chặt tre, nứa ghép lại thành những guồng nước hình tròn. Chặn dòng chảy chính bằng đập đá, nắn dòng nước qua các khe suối, tạo ra tác động lớn làm quay guồng đưa nước lên trên cao và đổ nước vào ruộng.

Các cọn nước có kích thước đa dạng, có cái chỉ cao quá đầu người, có cái đường kính gần 10m như 1 cái bánh xe khổng lồ. Thời điểm đỉnh cao dọc suối có tới 60-70 cọn nước, xếp hàng thành một khung cảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên và bàn tay khối óc của con người. Bao đời nay, hệ thống cọn nước cần mẫn làm nhiệm vụ tưới tiêu, tạo ra các cánh đồng lúa trù phú ở Pù Luông và cuộc sống no đủ cho người dân.

Khách du lịch chèo kayak trên suối Chàm, phía xa là những cọn nước của người Thái. Ảnh: Pù Luông Retreat

Khách du lịch chèo kayak trên suối Chàm, phía xa là những cọn nước của người Thái. Ảnh: Pù Luông Retreat

Cũng trên dòng suối Chàm này, du khách có thể trải nghiệm đi bè tre. Trên quãng đường gần 1km, khách du lịch sẽ trải nghiệm cảm giác lênh đênh giữa dòng suối trong xanh, ngắm nhìn những cánh đồng ven sông, những con nước, vạt núi rừng núi chạy hun hút xa tầm mắt.

Có thể bạn quan tâm